Trẻ bị hóc dị vật là hiện tượng thường gặp. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Khi trẻ bị hóc, phụ huynh cần bình tĩnh và xử lý nhanh nhất có thể. Đừng hốt hoảng gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Phải thực hiện những động tác sơ cứu ngay và đừng chần chừ.
Nếu sau 4 phút dị vật không được lấy ra ngoài có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Đối với những trẻ nhỏ, bạn đặt trẻ nằm úp lên cánh tay, tay còn lại vỗ mạnh vào lưng của trẻ. Với những em bé lớn hơn thì quàng tay quanh ngực, thực hiện động tác sốc mạnh trẻ về phía sau. Nếu làm đúng động tác cấp cứu này có thể khiến dị vật văng ra ngoài lên đến 90%.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết những cách sơ cứu để giúp trẻ đưa dị vật ra ngoài. Nhiều người sơ cứu sai cách đưa tay vào móc dị vật khiến chúng lọt sâu thêm hoặc cũng có thể gây ra tình trạng trầy xước vùng họng gây khó thở cho trẻ.
Nếu trẻ vẫn thở bình thường, phụ huynh hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để gắp dị vật ra nhanh nhất.
Trên thực tế hiện nay cho thấy có rất nhiều trẻ em bị hóc dị vật. Tuy nhiên dị vật chỉ xâm nhập ở dạng thoáng qua nên điều này thường khiến các bậc phụ huynh bỏ qua.
Một biểu hiện rõ nhất khi trẻ bị hóc dị vật đó là khó thở, da tím tái, khóc thét rất hốt hoảng. Lúc này nếu dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì các triệu chứng này sẽ giảm hoặc mất hết. Điều đó khiến cho cha mẹ các bé nghĩ rằng dị vật đã trôi xuống khiến bé hết hóc.
Tuy nhiên rất nhiều trường hợp sau đó trẻ lại xuất hiện những triệu chứng ho dai dẳng, sốt kèm theo bị khàn tiếng. Thường các phụ huynh rất dễ nhầm lẫn với việc trẻ mắc hen suyễn hoặc viêm phổi. Do vậy khi trẻ bị hóc dị vật nếu không lấy được dị vật ra ngoài phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có những xử lý kịp thời tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Mỗi bậc phụ huynh hãy luôn để mắt đến trẻ, nhất là trong những ngày lễ. Với thời điểm có cùng lúc quá nhiều đồ ăn, các loại hạt, hoa quả, bánh kẹo,... có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Chỉ 1 phút lơ đãng có thể gây ra những nguy hiểm đáng tiếc.
Khi trẻ còn tỉnh, bạn hãy để trẻ đứng. Người thực hiện động tác sơ cứu đứng sau hoặc quỳ gối. 2 tay choàng ra phía trước ngang với thắt lưng. 1 tay nắm thành nắm đấm, tay còn lại chồng lên và đặt ngay vị trí vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ.
Bạn thực hiện động tác ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tục 5 cái thật mạnh. Nếu lúc này dị vật chưa ra bạn có thể lặp lại từ 6 đến 10 lần để loại bỏ dị vật.
Khi trẻ đã rơi vào trạng thái hôn mê, người sơ cứu cần để trẻ nằm ngửa, quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Bạn ấn mạnh từ dưới lên trên liên tục 5 lần. Khi bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê và không thở được, lúc này việc đầu tiên cần làm đó là phải hà hơi thổi ngạt. Cần thực hiện luân phiên 2 động tác này cho đến khi dị vật được văng ra hoặc trẻ đã thở được.
Một lưu ý đặc biệt dành cho các bậc phụ huynh đó là dù đã sơ cứu và lấy được dị vật ra thì vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra, tránh trường hợp còn sót dị vật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn