'Kỷ nguyên phụ nữ' ở Syria

21:00 | 31/08/2018;
Theo tổ chức phi chính phủ mang tên “Ủy ban Các vấn đề gia đình Syria”, tỷ lệ nam - nữ ở Syria trước đây gần như ngang nhau. Sau 7 năm chiến tranh bom đạn, phụ nữ hiện chiếm phần đông dân số ở Syria với tỷ lệ 1 nam - 7 nữ. Đây là hiện thực đáng buồn nhưng cũng mở ra cơ hội mới cho phụ nữ nước này.
Nhiều góa bụa vững vàng đứng dậy
 
Khi đi dạo quanh khắp các đường phố thủ đô Damascus, qua các cửa hàng quần áo và trường đại học, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên và đặt ra câu hỏi: Tại sao không thấy bóng dáng người đàn ông Syria nào?
 
Trước chiến tranh, thật hiếm thấy phụ nữ Syria ngồi sau vô-lăng taxi hoặc phục vụ trong các quán cà phê nhưng ngày nay, những hình ảnh đó đã trở nên phổ biến. Họ có mặt ở các giảng đường đại học, trên công trường và làm việc trên các cánh đồng. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do hàng triệu nam giới Syria đã rời bỏ đất nước để tránh bị cầm súng chiến đấu hoặc để thực hiện giấc mơ sống ở nước ngoài.
kn.jpg
Góa phụ mạnh mẽ để nuôi con
 
 
Những người khác ở lại, bị cuốn vào các bên xung đột và bỏ mạng vì súng đạn. Theo trang tin Middle East Eye, hàng trăm nghìn người đã tử vong trong cuộc chiến ở Syria, mà đại đa số là nam giới. Theo “Ủy ban Các vấn đề gia đình Syria”, tỷ lệ nam - nữ ở Syria trước đây gần như ngang nhau nhưng sau 7 năm chiến tranh bom đạn, phụ nữ hiện chiếm phần đông dân số ở Syria với tỷ lệ 1 nam - 7 nữ.
 
Trong bộ đồ truyền thống màu đen, nữ tài xế taxi 40 tuổi Jamila Ashkar vừa lái vừa kể: “Chồng tôi hy sinh trong cuộc chiến. Tôi mất nhà và rất cần tiền nuôi các con. Sau đó, tôi quyết định lái taxi của chồng để kiếm sống”. Nhiều hành khách tỏ ra ngạc nhiên khi biết tài xế là nữ giới nhưng chị Ashkar cho rằng việc này chẳng có gì lạ lẫm trong xã hội Syria ngày nay.
 
Nữ tài xế cho biết chị còn phải cứng rắn hơn trước các đồng nghiệp nam giới để tránh bị quấy rối. Quyết tâm kiếm tiền để nuôi 3 con đã giúp chị vượt qua những ánh mắt soi xét của người ngoài. “Chẳng có gì đáng xấu hổ khi lao động”, chị Ashkar nói.
 
Còn tại thị trấn nhỏ Sheikh Badr ở tỉnh duyên hải Tartous, ở phía Bắc Damascus, ảnh của những người đàn ông tử trận được dán gần như kín mọi bức tường. Ngoài ra, còn có ảnh chụp những binh sĩ mất tích với dòng chữ viết bên dưới đại loại như “Cầu Chúa đưa anh ấy trở về an toàn”. Nữ sinh viên Alia 23 tuổi và các bạn gái của cô ở Sheikh Badr đều lo sợ họ sẽ độc thân mãi mãi vì chẳng còn ai để kết hôn vì hiện phụ nữ đều nhận lãnh vai trò lâu nay vốn dành cho phái mạnh. “Tôi sợ tôi sẽ độc thân đến cuối đời, chẳng còn người đàn ông nào ở đây cả. Tôi sẽ cưới ai cơ chứ?”, cô Alia băn khoăn.
 
trang-4-syria-1.jpg
Ảnh những người hy sinh được dán trên tường

 

Alia còn nói rằng cô chưa tỉa lông mày trong một thời gian dài. “Tại sao tôi phải trang điểm cơ chứ? Có ai ngắm tôi đâu. Những bức tranh là thứ duy nhất còn ở lại”, cô ngậm ngùi nói.
 
Niềm lạc quan và vận hội mới
 
Nhiều phụ nữ Syria lại nhìn nhận vấn đề lạc quan hơn. “Chiến tranh không hoàn toàn tồi tệ vì vẫn có những điểm tích cực. Nó trao cho tôi và nhiều phụ nữ khác cơ hội vươn lên”, một phụ nữ tên Catherine tâm sự. Cô làm nhiếp ảnh gia cho các hãng thông tấn trên toàn cầu suốt 5 năm qua.
 
trang-4-syria-2.jpg
Nữ giới chiếm đa số trong giảng đường đại học Syria

 

Đây là công việc vốn là lãnh địa của nam giới ở Syria trước chiến tranh. Lúc đó, báo chí là một trong những ngành nam giới chiếm số lượng áp đảo. Cô Catherine nói: “Tôi thích mặc đồ như nam giới. Đây là cơ hội để tôi thể hiện hết khả năng của mình. Tôi nghĩ tình cảnh hiện tại có những mặt tích cực đối với tôi và nhiều phụ nữ khác”.
 
Không chỉ trong công việc, trên giảng đường đại học ở Syria giờ cũng toàn nữ sinh viên. Thống kê của trường Đại học Damascus cho thấy chỉ trừ khoa y, còn lại nữ sinh viên đều nhiều hơn bạn học nam ở mọi khoa còn lại. Tuy nhiên, nhìn về hướng tích cực, nhiều phụ nữ Syria cho rằng tình trạng hiện nay đã cho họ cơ hội để chứng tỏ năng lực bản thân, đuổi kịp với những đồng nghiệp nam giới. “Đây là kỷ nguyên của phụ nữ ở Syria. Không chỉ ở chỗ làm, mà họ còn chiếm đại đa số ở trường học”, cô Mirella Ahmad, một sinh viên 27 tuổi, cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn