Kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Trịnh, của một thời và mãi mãi

19:00 | 01/04/2021;
Có những cảm nhận về một con người, không cần trống giong cờ mở. Với người ít nói, nhẹ nhàng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, viết về kỷ niệm cũng không phải quá dễ…

Do mối thân quen từ trước đó mà những năm 1999-2000, tôi thường gọi điện thoại hỏi thăm hoặc ghé qua căn biệt thự của Trịnh nhạc sĩ trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM. Căn nhà rợp bóng cây, mát rượi. Đầu hẻm có quán café của người đồng hương với nhạc sĩ mở bán đã lâu năm, thường được gọi là hẻm Trịnh, trước đây người ta cứ đồn đại là bà con ruột rà (thực sự, xung quanh Trịnh và cả những người thân của ông, đều có vô số lời đồn, tuy nhiên, hầu hết là trật lất).

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường tiếp đón tôi, với dáng vẻ hao gầy mang phong cách riêng của ông. Cách ông đi lại trong phòng khách, nhẹ nhàng. Cách ông nói chuyện, cũng hết sức nhẹ nhàng. Mọi thứ ấy, phù hợp "mix" với nhau, với khung cảnh của biệt thự kiểu Pháp nằm yên tĩnh giữa trung tâm Sài Gòn. Đời cũng khéo chọn chủ nhân căn nhà, cũng như mọi người sống trong căn nhà đó cũng "nương" theo phong cảnh xung quanh. Một cuộc sống vui vẻ, không ồn ào, náo nhiệt.

Kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Trịnh, của một thời và mãi mãi - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Dao Ánh, mối tình sâu đậm thuở thanh xuân Tranh: Lê Sa Long

Có vài lần, tôi đến vì công việc phỏng vấn nhân vật. Có vài lần khác, chỉ là gọi điện trước rồi ghé thăm Trịnh nhạc sĩ 30 phút, nói chuyện gẫu vài câu rồi ra về. Trong con mắt của phóng viên trẻ là tôi khi ấy, gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như tiếp cận với chân trời mới lạ. Ông hỏi chuyện tôi vì sao trước đây nghe nói thích học piano mà rồi không theo. Ông hỏi thăm người quen chung, không rõ sau này sức khỏe người ấy thế nào. Cách trò chuyện của Trịnh nhạc sĩ vừa đủ sự ân cần, vừa đủ lịch thiệp.

Dấu ấn trong ký ức của tôi, có lần ghé qua thăm ông, được mời ly rượu ngon. Trên bàn trong phòng khách khi ấy, có chai rượu đã khui sẵn và mấy chiếc ly. Ông nói: "Con uống chút xíu thử coi sao".

Tôi quan sát cách nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cầm ly uống, màu hổ phách của chất cồn đẹp và phù hợp với khung cảnh của buổi sáng chan hòa nắng Sài Gòn. Con người lịch lãm và thâm trầm ấy, mới có thể viết ra được các ca từ đậm chất triết lý cuộc đời. "Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/ Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/ Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy/ Giật mình tỉnh ra: Ồ nắng lên rồi"- (Bên đời hiu quạnh).

Kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Trịnh, của một thời và mãi mãi - Ảnh 2.

Đã 20 năm trôi đi, kể từ khi Trịnh nhạc sĩ rời bỏ cuộc đời "cát bụi" để thanh thản "đóa hoa vô thường"

Sau này, tôi có dịp trao đổi với ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, cô em út của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong 1 bài viết. Chị Trinh cũng khá giống anh trai ở tính cách ít nói, không khoa trương ồn ào. Mọi hoạt động của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh hầu hết thông qua chồng chị, anh Nguyễn Trung Trực. Cặp vợ chồng dễ thương này hào hứng nói nhiều nhất là về các đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Họ cho biết: "Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc vận động tài trợ để chương trình với vé vào cửa miễn phí cho người hâm mộ và không mang tính thương mại hóa là thử thách rất khó đối với gia đình và Ban tổ chức". Chính vì vậy mà các sự kiện diễn ra chắc chắn sẽ khó đáp ứng được hết sự yêu mến của mọi người dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông.

Đã 20 năm trôi đi, kể từ khi Trịnh nhạc sĩ rời bỏ cuộc đời "cát bụi" để thanh thản "đóa hoa vô thường", người hâm mộ ông vẫn nhớ mãi dáng hình hiền lành, đức khiêm cung và tài năng sáng tác âm nhạc tuyệt đỉnh vô đối của ông trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam.

Con người thực thể chỉ sống một thời nhưng các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì còn mãi. Trịnh - nhạc sĩ bất tử qua các tác phẩm vượt thời gian, đồng hành cùng những hỉ nộ ái ố của cảm xúc đời người...


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn