Năm 1965, ở tuổi 20, bà Trương Thị Khuê đã trở thành Xã đội phó kiêm Trung đội trưởng pháo 12 ly 7, xã Vĩnh Thủy, khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Trong thời gian này, bà đã cùng đơn vị dũng cảm tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Bà cùng đồng đội đã 6 lần bắn rơi máy bay địch. Tuy nhiên, khi nói về những thành tích này, bà chỉ khiêm tốn bảo đó là thành tích của đơn vị "chứ tôi có làm được gì đâu". Bất cứ ai hỏi về thành tích của bà năm xưa, bà Trương Thị Khuê đều nói rằng, bản thân bà không phải là người phụ nữ Việt Nam thích chiến đấu "nhưng vì giặc Mỹ đến xâm lược nên phải đánh trả thôi".
Có lẽ, những chiến công mà nữ anh hùng ấy có thể không muốn nhắc đến, nhưng kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ thì bà còn giữ mãi trong tim, coi đó như một báu vật lịch sử mà bà luôn trân trọng, giữ gìn. Anh hùng Trương Thị Khuê tâm sự, cả 3 lần được gặp Bác là 3 lần bà khắc cốt ghi tâm, dù từ bấy đến giờ đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng vẫn như vừa mới hôm qua.
Bà Trương Thị Khuê được gặp Bác Hồ lần đầu tiên vào ngày 11/9/1968, khi đó bà mới 24 tuổi. Ngày hôm ấy, bà cùng 2 nữ dân quân là Trần Thị Bưởi và Nguyễn Thị Xuân vừa tham dự Đại hội thanh niên, sinh viên thế giới tại Sofia (Bulgaria) về đến Hà Nội thì được cán bộ Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng báo tin sẽ được vào thăm Bác Hồ.
Theo dòng ký ức của bà, khi ấy, Bác ân cần hỏi về thành tích của từng người, nghe đồng chí Trương Vũ Kỳ kể xong, Bác khen: "Các cháu giỏi lắm". Lời khen của Bác rất ngắn gọn nhưng ai cũng xúc động nghẹn ngào.
Biết chiến trường Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến gặp nhiều đau thương mất mát, Bác hỏi thăm kỹ lưỡng: Vĩnh Linh có bị máy bay B52 đánh nhiều không? Địch đánh như thế, bà con ta ăn ở ra sao? Thế ăn ở dưới hầm như vậy, sức khỏe bà con có bảo đảm không?... Từng câu hỏi quan tâm của Bác và những trăn trở trên nét mặt hiền từ đã khắc sâu trong tâm trí nữ dân quân Trương Thị Khuê. Hỏi thăm tình hình Vĩnh Linh xong, Bác lại quay sang hỏi nữ dân quân Nguyễn Thị Xuân về tình hình Quảng Bình, rồi dặn dò và gửi lời hỏi thăm đến các chiến sĩ và nhân dân.
Mấy hôm sau, vào ngày 16/9/1968, một tin vui bất ngờ lại đến với 3 nữ dân quân, đó là được Bác Hồ cho gọi vào ăn cơm cùng Người. Bà Trương Thị Khuê kể: "Tưởng rằng được ăn với Chủ tịch nước là phải thịnh soạn lắm nhưng khi nhìn thấy trên mâm cơm chỉ có một đĩa thịt gà luộc, một đĩa rau muống, một đĩa cà muối, một bát khoai sọ, chúng tôi đều nghẹn lòng. Một vị Chủ tịch nước mà lại ăn bữa cơm giản dị đến thế này sao? Khi ngồi ăn cơm, Bác tự tay đơm cơm cho từng người, chúng tôi cảm động không ăn được, chỉ nhìn nhau nước mắt rơm rớm. Ăn xong, chúng tôi đứng dậy thu bát đĩa, Bác lại nói: "Cháu Khuê ăn 3 quả cà đi".
Tôi nghe lời Bác, ăn mà thấm đến tận bây giờ về bài học tiết kiệm mà Bác đã dạy. Suốt hơn 40 năm hoạt động từ cơ sở đến Trung ương, tôi không bao giờ vì có chức quyền mà sống lãng phí, bởi bài học về 3 quả cà trong bữa cơm với Bác hôm ấy".
Tối 20/9/1968, 3 nữ dân quân lại được Bác mời vào xem văn công. Đến Phủ Chủ tịch đã thấy đông đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị. Bác Hồ gọi 3 nữ dân quân lại ngồi gần rồi Bác giới thiệu với mọi người tên tuổi, quê quán, thành tích chiến đấu của 3 nữ dân quân rất đầy đủ, chính xác. Trước lúc ra về, Bác dặn: "Các cháu phải về học tập, không học không làm được đâu. Học trường, học lớp, học đơn vị, học thực tế, cố gắng học tập".
Lần cuối cùng bà Trương Thị Khuê được "gặp" Bác là khi Bác mất. "Ngày 2/9/1969, tôi được lệnh mùng 3 phải có mặt ở Hà Nội. Tôi đi mà không biết có việc gì. Ra đến nơi, tôi mới biết rằng Bác mất. Tôi được phân công túc trực 15 phút bên linh cữu của Bác cùng với 3 nữ anh hùng khác là Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Thị Tuyển. Những kỷ niệm, hình ảnh của Bác cứ thế ùa về. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa một phút quên đi những điều thiêng liêng đó", Anh hùng Trương Thị Khuê rưng rưng nước mắt nhớ lại.
Sau này, nhớ mãi lời dặn của Bác, phải học, học không chỉ ở trường, ở lớp mà phải học trong đường đời, học trong thực tế, học những người đi trước, bà Trương Thị Khuê đã cố gắng học văn hóa cấp 3, học cao cấp chính trị, học lớp quản lý kinh tế, học ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1972, bà làm Phó ban Tổ chức Khu ủy Vĩnh Linh, sau đó là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bến Hải (huyện cũ của Quảng Trị). Năm 1997, bà được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, trở thành đại biểu Quốc hội các khóa VIII và IX.
Trong thời gian hơn 30 năm làm công tác phụ nữ, bà Trương Thị Khuê luôn trăn trở về thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa của phụ nữ trên mọi vùng miền. Bà thường đi về tận thôn bản, đến từng nhà hội viên xem tận mắt công việc, mô hình. Một trong những dấu ấn mà bà Trương Thị Khuê để lại, đó là những tháng ngày bà không quản ngại vất vả, lặn lội khắp 17 tỉnh/thành khó khăn nhất của cả nước để thực hiện chương trình Dự án Tín dụng Việt - Bỉ về Nâng cao năng lực của Hội LHPN Việt Nam trong quản lý các chương trình tín dụng tiết kiệm cho phụ nữ nghèo giai đoạn 1996 - 2005.
Cho đến hôm nay, khi đã bước sang tuổi 76, Anh hùng Trương Thị Khuê vẫn ghi nhớ những lời căn dặn của Bác, coi đó là hành trang vô giá mà bà mang theo suốt cuộc đời mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn