Nếu có ai đó còn hoài nghi về tài năng cầm quân của bà Nguyễn Thị Định thì đến trận càn Junction City, hình ảnh bà Phó Tư lệnh trở thành niềm tự hào mãnh liệt. Đó là trận càn lớn nhất của Mỹ và quân đội Sài Gòn vào tháng 2/1967. Trận càn huy động 7 lữ đoàn Mỹ, 2 chiến đoàn ngụy có 50.000 tên, 1.100 xe tăng, toàn bộ máy bay nhằm xóa sạch căn cứ Trung ương cục miền Nam.
Bộ Chỉ huy họp, quyết định bằng mọi giá phải bảo vệ vùng căn cứ; chuyển thế bị động sang chủ động tấn công địch. Mọi người đều đánh địch, phát động đánh du kích trong các cơ quan làm địch mệt mỏi, tạo điều kiện cho quân chủ lực tiêu diệt chúng. Bộ Chỉ huy phân công bà Nguyễn Thị Định chỉ đạo các đơn vị văn công, tuyên huấn, du kích các cơ quan, đoàn thể tham gia đánh địch. Bà họp toàn thể anh chị em nói: "Mình có ít người, ít vũ khí, phải chia thành từng tổ nhỏ, đào công sự thật chắc, đón hướng đi của địch, đánh cho chúng những đòn bất ngờ, làm chúng nghi là có quân chủ lực đánh". Cuộc chống càn đã diễn ra đúng như kế hoạch đã chuẩn bị. Suốt 2 ngày đêm, quân ta bẻ gãy cánh quân chủ yếu của địch.
Địch lại mở trận tấn công đợt 2. Dưới hầm, bà vẫn bình tĩnh chỉ huy trận đánh. Bốn giờ chiều, Bộ Chỉ huy nhận được tin du kích khối cơ quan do "chị Ba" chỉ huy đã bắn cháy một số xe tăng địch. Sau những ngày bị du kích đánh cho mệt mỏi, rã rời, địch phải cụm lại một nơi. Lúc ấy, các đơn vị chủ lực của ta đánh thẳng vào những cụm đóng quân của địch, diệt được nhiều xe tăng, máy bay. Trận càn Junction City Gia bị thất bại. Tướng Đờxốtxuya - chỉ huy trận càn bị cách chức tại trận. Rừng Tây Ninh vang tiếng hát chiến thắng. Bà Phó Tư lệnh lúc ấy trở về với vai trò người mẹ, người chị, lo nấu một bữa ngon lành đãi các chiến sĩ bằng những chiến lợi phẩm mà họ thu được sau trận càn…
Trong Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, bà Nguyễn Thị Định được Bộ Chỉ huy phân công đi chỉ đạo tỉnh Tây Ninh. Người nữ tướng ấy đội chiếc bọc vải dù, khoác mảnh vải dù ngụy trang, cùng các chiến sĩ đạp xe lên đường. Dốc cao, bị một khúc cây ngáng ngang đường, xe mất đà, đổ ập xuống. Chân bị thương nặng nhưng bà kiên quyết tiếp tục lên đường, bởi bà đang cầm trong tay lệnh truyền đạt nghị quyết. Với chiếc chân đau, bà cùng đoàn đi bộ suốt đêm không nghỉ. Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh đang nôn nóng chờ nghị quyết nhưng gặp bà, rất băn khoăn, sợ địch càn bằng trực thăng, với chiếc chân đau, "chị Ba" không đối phó được. Bà vẫn bình tĩnh trụ lại căn nhà hầm gần tỉnh đội để phổ biến nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Tư lệnh Miền, nhấn mạnh tình hình khó khăn của Tây Ninh - một vùng có đạo Cao Đài, các ấp chiến lược đều do tổ chức công giáo đào tạo.
Bà chỉ đạo đưa cán bộ nữ vào ấp chiến lược, xây dựng cơ sở, để khi anh em tấn công có chỗ ém quân, xây dựng lực lượng tự vệ mật tại chỗ, tranh thủ các tín đồ, tích cực làm công tác binh vận để làm tan rã quân Cao Đài do quân đội Sài Gòn xây dựng, cô lập chức sắc ác ôn; cần có sự phối hợp chặt chẻ giữa lực lượng bên trong và lực lượng bên ngoài, cần có lực lượng dẫn đường. Bà nhấn mạnh: "Chúng ta không được quên hai vấn đề bí mật và bất ngờ. Trong lúc bộ đội ta đánh vào thành phố lớn, các đồng chí phải tranh thủ cơ hội đánh lớn bằng 3 thứ quân bao vây bức hàng, bức rút, mở rộng vùng căn cứ…".
Tại căn cứ Bộ Chỉ huy Miền, bà và các đồng chí theo dõi tình hình chung, nhất là thành phố Sài Gòn. Thắng lợi của Mậu Thân 1968 là buộc địch ngồi vào bàn đàm phán với ta tại hội nghị Paris tìm giải pháp hòa bình, buộc Mỹ rút quân về nước. Nhưng đó cũng là những ngày bà vô cùng đau đớn khi biết bao đồng chí đã hy sinh, trong số đó có Lê Thị Riêng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng.
Sau Mậu Thân, Cách mạng miền Nam đứng trước muôn vàn thử thách. Bị thua đau, địch phản công quyết liệt. Tài năng quân sự của Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định thêm một lần được khẳng định. Bà cùng đồng cam cộng khổ với anh chị em trong cơ quan, khi phải liên tục dời căn cứ vừa chỉ đạo đội quân tóc dài toàn Miền đấu tranh chống phá chủ trương bình địch của địch. Năm 1970, khi Lonnon lật đổ Xihanúc, các căn cứ của ta ở biên giới Campuchia càng gặp nhiều khó khăn. Chăm chú theo dõi tình hình Campuchia, bà trao đổi với các đồng chí ở H12 (trường sơ cấp quân giải phóng của Bộ Tư lệnh Miền), tìm cách đối phó, bảo vệ căn cứ.
Bà phân tích: Địch bên sông Vàm Cỏ chỉ cách ta một con sông nhỏ, ta phải gấp rút tập trung thành lực lượng thống nhất đủ sức đối phó, tránh tình trạng phân tán quá nhỏ, hành động rời rạc. Ta phải ngụy trang chu đáo các kho tàng, tổ chức chiến đấu ở mỗi khu vực. Cần phân tán kho lớn, những vũ khí gọn nhẹ như AK, K.50 chia cho các đơn vị giữ và chiến đấu. Bà kiên nghị nói: "Trong lúc chờ chủ trương của Bộ, của Trung ương cục, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước cấp trên và quyết định đánh. Trong lúc này, ta phải dám nghĩ dám làm. Bỏ lỡ thời cơ, ta sẽ gặp khó khăn lớn!".
Rất may, Bộ kịp thời gửi điện xuống căn cứ, giao trách nhiệm cho bà cùng sư đoàn 9 tỉnh Tây Ninh đánh địch bảo vệ lực lượng, bảo vệ căn cứ. Ông Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời đến gặp bà, trao đổi: "Ý kiến của trên muốn đưa hai cơ quan về phía Nam, chị nghĩ sao?". Bà nói: "Nếu đưa cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời về phía Nam, ta sẽ mắc mưu địch. Nó đang chờ ta để tiêu diệt. Theo tôi, anh cứ tìm chỗ cho cơ quan di chuyển. Tôi sẽ chịu trách nhiệm cùng bên quân sự phối hợp chiến đấu bảo vệ cơ quan đầu não của ta". Ông Huỳnh Tấn Phát đồng ý. Thế là một không khí sôi nổi, khẩn trương diễn ra.
Quân Mỹ cho quân đổ xuống Xóm Giữa, gần trường Lê Thị Riêng, máy bay B.52 liên tục thả bom. Dưới đất, chúng cho từng đoàn xe bao quanh căn cứ dày đặc, quyết tâm tiêu diệt cơ quan đầu não của kháng chiến. Hiểm nguy phía trước mà mọi người đều phấn chấn, tin tưởng. Bà Định cùng Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát nhận trách nhiệm dẫn cơ quan dân vận gồm gần 1.000 người tránh cuộc hành quân càn quét của địch.
Đoàn người lặng xẽ đi trong rừng, trong mưa. Rủi thay, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa - Bộ trưởng Y tế của Chính phủ cách mạng lâm thời nhằm lúc nước sôi lửa bỏng ấy đau đẻ. Thật cảm động, vị nữ tướng đã lường trước tình huống này, cắt đặt một tổ, có cả bác sĩ phẫu thuật chở xe đạp đưa nữ Bộ trưởng đi trước. Rất may, mẹ tròn con vuông. Sinh con xong, nghỉ được một lúc, Quỳnh Hoa tiếp tục hành quân.
Đoàn quân năm ấy chuẩn bị vượt lộ 7. Số người tháp tùng tản cư với cơ quan chính phủ đến địa điểm này cũng lên tối hàng ngàn. Trên lộ 7, quân Mỹ cũng chốt dài ở quãng Candơnchun. Nhờ có lực lượng Sư đoàn 9 bảo vệ, đoàn người vượt qua lộ lúc nửa đêm, chốt ở một cánh rừng cao su còn đầy vết xe tăng của Mỹ. Trời mưa, xe đạp không di chuyển được. Tất cả phải lội bộ, dò dẫm theo tấm bản đồ cũ.
Cuộc hành quân đứng như dự kiến của bà Định. Trong lúc cơ quan di chuyển, các lực lượng võ trang đã anh dũng chiến đấu, bẻ gãy được cuộc càn. Các mũi quân của địch sục vào khu căn cứ cách mạng bị đánh mìn, đánh du kích gây nhiều tổn thất, khiến chúng không dám sục sạo. Kho tàng của ta được bảo vệ; các bệnh viện kịp thời sơ tán, an toàn. Đặc biệt, trường H.12 trong tay chỉ có 1 trung đội nhưng trong 3 ngày tiêu diệt được 3 xe tăng, 2 trực thăng Mỹ.
Hơn một tuần càn quét không thu được kết quả gì lại hứng chịu quá nhiều tổn thất, địch đành phải rút, để lại ngổn ngang xác xe tăng, trực thăng và quân lính... Cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của chúng thêm một lần bị thất bại. Trong thời gian địch càn, vùng căn cứ của ta đón gần hàng ngàn đồng bào và lực lượng cơ quan, cán bộ các phân khu khác dồn về. Lò Gò là một trong những căn cứ chống càn có hiệu quả nhất, thiệt hại rất ít, bảo vệ được vùng giải phóng. Đặc biệt, hai cơ quan Chính phủ cách mạng lâm thời, cơ quan phụ nữ hầu như không bị thiệt hại gì. Cơ quan phụ nữ lại hành quân dũng cảm, đầy mưu trí thoát khỏi sự càn quét khốc liệt của địch.
Sau này, những người có mặt trong cuộc hành quân dời căn cứ năm ấy ngẫm lại, giật mình khi đưa ra câu hỏi: "Năm ấy, Trung ương cục không có Phó Tổng Tư lệnh Nguyễn Thị Định biết chớp thời cơ, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, biết phán đoán tình hình, kiên quyết không di chuyển về phía địch đang chờ sẵn, cắt đặt chu đáo quân ứng chiến… thì cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ ra sao?! Cơ quan đầu não mà bị địch "làm cỏ sạch" thì tổn thất cách mạng đến nhường nào".
Nhưng may mắn thay; ngày ấy, năm ấy rừng miền Đông có bà Phó Tổng tư lệnh Nguyễn Thị Định. Vị nữ tướng ấy không mặc quân phục, không đeo quân hàm khi ra trận nhưng tài chỉ huy, lòng trách nhiệm, sự dũng cảm, sự thấu đáo của bà đã góp phần xoay chuyển thế bị cô lập bao vây thành thắng, từ bị động chuyển sang phòng ngự và chủ động tấn công đến khí thế cao chất ngất trong mùa xuân 1975, với 5 cánh quân rầm rập tiến về thành phố, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Cách mạng miền Nam có Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là bà Nguyễn Thị Định vừa là định mệnh vừa là niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 – 1992)
Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước.
Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938) bà được kết nạp Đảng.
Năm 1940, bà lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước)
Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8-1945. Bà là một trong những người đầu tiên vượt ngàn trùng hiểm nguy và mọi sự kiểm soát gắt gao của địch, cùng anh em cảm tử mở đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vũ khí, đạn dược tiếp viện cho phong trào đấu tranh ở Nam bộ, dấy lên ngọn lửa Đồng Khởi – Bến Tre.
Năm 1961, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam
Năm 1965, bà được cử làm Phó Tổng tư lệnh lực lượng võ trang giải phóng miền Nam Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm 1974, bà Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước (1975), bà là Ủy viên BCH Trung Ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ LĐTB&XH). Từ Tháng 6/1980 đến năm 1992, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (1982-1992), Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam – Cuba, Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới, Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Bà được tặng thưởng nhiều Huân chương và Huy chương: Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy hiệu Bác Hồ, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin; Được Đảng và Chính phủ Cuba trao tặng Huân Chương HiRon và nhiều Huân chương khác.
Ngày 26/8/1992, sau một cơn bệnh tim đột ngột, Bà Nguyễn Thị Định đã ra đi vĩnh viễn, thọ 72 tuổi.
Ngày 30/8/1995, bà đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.
(Còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn