Đúng vào dịp này 52 năm trước, tại ngã ba lịch sử này, tất cả 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 (thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 tỉnh Hà Tĩnh) đã ngã xuống trong một trận bom khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình, để lại xót thương và tự hào cho đồng đội, đồng bào cả nước. Sự hy sinh anh dũng của các cô đã trở thành biểu tượng cống hiến to lớn của hàng triệu thanh niên vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước. 52 năm đã trôi qua, những hình ảnh chiến tranh ngày càng lùi xa nhưng sự hy sinh anh dũng của 10 liệt nữ cùng lực lượng thanh niên xung phong và hàng nghìn chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ giao thông v.v... mãi mãi, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2020) năm nay cũng là năm thứ 3 cả nước thực hiện Chỉ thị số 14 – CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Với những mục tiêu cụ thể đặt ra trong Chỉ thị 14, thời gian qua việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cả nước quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 tất cả các gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú mà Chỉ thị 14 đã đặt ra, thể hiện nhất quán chủ trương công tác chăm sóc người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước, ngày càng nâng cao hơn nữa đời sống người có công…, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đối với công tác người có công; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng…
Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam để tiếp tục thắp sáng ngon lửa tri ân đối với người có công với cách mạng.
Tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao nhiều suất quà có ý nghĩa thiết thực cho gia đình thân nhân 10 nữ liệt sĩ, gia đình các thương bệnh binh, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ học bổng Hồng Lam (Hà Tĩnh) và Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn