Chị Nguyễn Mỹ Linh (29 tuổi, quê Nam Định), lên Hà Nội ở trọ và làm thợ gội đầu cho một tiệm cắt tóc trên đường Đê La Thành, không có hợp đồng lao động. Chị kể: "Trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, tiệm phải đóng cửa, tôi rời khỏi tiệm mà chỉ còn vẻn vẹn có 200.000 đồng trong túi. Những ngày sau đó, tôi đã phải xoay từng ngày, ngay cả trong miếng ăn tối thiểu nhất để tồn tại". Chị Linh cho hay, suốt từ đầu năm 2020 đến nay, tháng nào chị làm may mắn lắm thì đủ chi tiêu cho hai mẹ con, còn không thì thiếu trước hụt sau, phải mượn đầu này, đắp đầu kia.
Chị Chu Thị Thắm (45 tuổi, quê Thanh Hoá) ra Hà Nội làm nghề buôn bán hoa quả rong. Chồng chị mất đã nhiều năm. Giờ cậu con trai lớn đang cùng chị trọ ở Hà Nội để học Đại học, còn con nhỏ ở quê nhà với ông bà nội. Chị Thắm kể, chị đã phải bán cái nhẫn vàng 1 chỉ duy nhất để phòng thân để xoay xở tạm trong những tháng ngày khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nhận định, hàng năm, số nữ lao động di cư về Hà Nội để tìm kiếm việc làm rất lớn với 206.682 người (năm 2019), 136.291 người (năm 2020), 189.985 người (6 tháng đầu năm 2021). Việc làm của nữ lao động di cư đa dạng với các ngành nghề, song đa số chị em đều không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, phần lớn tập trung ở khu vực phi chính thức, không được đào tạo nghề, hoặc học nghề thông qua vừa học, vừa làm.
Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội LHPN TP Hà Nội và một số quận, huyện có đông lao động nhập cư đã nhiều lần tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến các khu trọ để nắm bắt cuộc sống, ghi nhận khó khăn và thăm, tặng quà nữ lao động tự do, di cư.
Bà Đinh Thị Phương Liên - Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình - cho biết, trên địa bàn quận có nhiều lao động nữ nhập cư, với mức thu nhập tương đối thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Quận đã lập mô hình CLB chủ nhà trọ để cùng tuyên truyền, phối hợp hỗ trợ người lao động thuê trọ. Các thành viên CLB đã giảm từ 30% đến 50% tiền thuê nhà, có hộ đã giảm tới 100% trong đợt giãn cách do dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Ngoài ra, với những người thuê nhà lâu dài, chủ nhà trọ lắp công tơ điện, giúp người thuê được thụ hưởng giá điện sinh hoạt.
Không chỉ có mô hình trên, những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã luôn quan tâm, chỉ đạo và triển khai nhiều mô hình, hoạt động hỗ trợ nhóm lao động di cư trên địa bàn thành phố.
Nổi bật là các mô hình hỗ trợ nữ lao động nhập cư nghèo tại Hà Nội với 8 CLB phụ nữ di cư tại 4 đơn vị (Q.Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng) thu hút hơn 800 thành viên; 2 Chi hội nữ lao động di cư tại Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm và Phúc Xá, Q.Ba Đình; Chi hội phụ nữ trẻ ở Đông Anh; 20 nhóm tự lực, 20 nhóm nòng cốt, 15 điểm cung cấp thông tin dành cho lao động di cư tại 4 phường thuộc Q.Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… Mô hình "Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm" tại Q.Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng với 15 CLB giúp việc gia đình thu hút 500 thành viên; mô hình "Nhà trọ an toàn" tại huyện Đông Anh hỗ trợ cho các nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư trên địa bàn có nhu cầu được tiếp cận các thông tin về nơi ở và công việc an toàn.
Trước tác động của dịch Covid-19, Hội LHPN Hà Nội đã có nhiều sáng kiến, hoạt động thiết thực hỗ trợ trực tiếp cho những người lao động nhập cư gặp khó khăn. Năm 2020, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã gửi Thư ngỏ tới các chủ nhà trọ để miễn giảm tiền thuê nhà cho người di cư.
Năm 2021, nhận thấy có nhiều nguyên nhân, đối tượng nữ lao động tự do còn gặp khó khăn trong tiếp cận chính sách, dẫn tới tỷ lệ được thụ hưởng ít hơn so với số lượng thực tế, Hội LHPN Hà Nội đã gửi Thư khuyến nghị tới các lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các quận huyện và cơ sở về việc triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại địch Covid-19 trên địa bàn thành phố, đồng thời tổ chức toạ đàm "Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội" để cùng các chuyên gia và cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ những thủ tục phức tạp, để người lao động tự do có thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố.
Hội LHPN Thành phố cũng đã tập trung khai thác các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho phụ nữ yếu thế, lao động di cư, phụ nữ với tổng số 7.338 suất quà, tổng trị giá trên 2,2 tỷ đồng (tính từ 27/4/2021 đến ngày 15/9/2021). Trong tháng 10/2021 này, Chương trình hỗ trợ nữ lao động di cư có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai.
Bà Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, khẳng định, là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN Hà Nội và các cấp Hội sẽ không ngừng tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho nữ lao động tự do nói riêng và phụ nữ nói chung gặp khó khăn do đại dịch Covid -19, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ Thủ đô.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn