Từ đó đến nay, Phụ nữ Việt Nam với lá phiếu trên tay mình ở tất cả các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đã thể hiện vai trò, thế mạnh của một nữ cử tri trong việc phát huy bình quyền, thể hiện giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động bầu cử.
Lá phiếu nữ cử tri từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
Đối với Việt Nam, một đất nước trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến hà khắc, trói buộc phụ nữ, nguyên tắc bầu cử mang tính bình đẳng, nhân văn ngay từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước vào năm 1945 có dấu ấn đặc biệt. Bước ngoặt này đã nâng địa vị người phụ nữ lên ngang hàng với nam giới và sánh vai cùng phụ nữ các nước có nền bầu cử pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ đương thời cả hoạt động ứng cử lẫn bầu cử.
Và đặc biệt trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa năm 1946, tại Điều 9 đã quy định "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện". Đó là quy định lần đầu tiên có ý nghĩa rất lớn đối với phụ nữ trong bối cảnh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới được thành lập. Điều này đã góp phần quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người trong lịch sử lập hiến Việt Nam.
Đại úy Trần Quốc Cường - Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết, trong Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 6/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, phụ nữ là những người đi bỏ phiếu hăng hái nhất. Người rất chú trọng công tác vận động phụ nữ, khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi, tổ chức hướng dẫn phụ nữ tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thời kỳ xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc tranh quyền cho phụ nữ còn là quá trình giải phóng sức lao động để tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy khả năng sáng tạo của mình phục vụ Tổ quốc.
Báo Cứu Quốc số 401 ngày 10/11/1946 có đăng lời phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ 2, Quốc hội khóa I của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam được đứng chung ngang hàng với đàn ông để được hưởng mọi quyền tự do của một công dân".
Tư tưởng bình quyền giữa nam và nữ thể hiện trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và được quy định trong bản Hiến pháp năm 1946 chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. "Phụ nữ thực hiện quyền bầu cử của mình là trực tiếp phát huy quyền dân chủ trong xây dựng Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội LHPNVN. Phụ nữ tham gia bầu cử đó vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của chính bản thân phụ nữ" – Đại úy Trần Quốc Cường nhấn mạnh.
Phát huy vai trò của nữ cử tri sau 75 năm
Trên cơ sở kết thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1992, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định sâu sắc hơn quyền của phụ nữ. Tại Điều 27, Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Ngoài các quyền trên, phụ nữ còn có quyền: Được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (Khoản 2 Điều 26); Được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 36); Được Nhà nước, xã hội và gia đình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (khoản 2 Điều 58). Xét trong mối tương quan với nam giới, quyền của phụ nữ Việt Nam được quy định trong các bản Hiến pháp nước ta đã thể hiện rõ quan điểm "bình đẳng và ưu tiên".
Theo Đại úy Trần Quốc Cường, cụ thể hóa các quyền trên, sau 75 năm tham gia Tổng tuyển cử và chuẩn bị sẵn sàng tham gia bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp khóa XV vào tháng 5/2021, phụ nữ có quyền ghi tên vào danh sách cử tri, được phát thẻ cử tri. Mỗi cử tri nữ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Với những cử tri nữ là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng; là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
Cử tri nữ còn được quyền khiếu nại về danh sách cử tri: Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, cử tri nữ có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho cử tri nữ biết kết quả. Trường hợp cử tri nữ không đồng ý về kết quả này hoặc hết thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính….
Tại Mỹ, quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ được đưa ra lần đầu từ năm 1848, tuy nhiên đến năm 1920 khi bổ sung sửa đổi Hiến pháp lần thứ 19 của Mỹ, phụ nữ mới được trao quyền bầu cử. Họ mất 72 năm đấu tranh mới có quyền đi bầu cử và phải mất 144 năm sau kể từ ngày tuyên bố Độc lập (776), phụ nữ mới được hưởng quyền này. Tương tự ở Anh, quyền bầu cử của phụ nữ bắt đầu có từ năm 1928, Italia là năm 1945. Nước Pháp, phải mất 150 năm sau kể từ cách mạng Tư sản pháp, đến năm 1946 phụ nữ mới được hưởng quyền bầu cử và thậm chí Thụy Sỹ phải mãi đến năm 1971 phụ nữ mới được hưởng quyền này. Cho đến hiện nay, nhân loại đã bước sang thế kỷ 21 nhưng vẫn còn có một số nước ngăn cấm hoặc hạn chế quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn