Từ thế kỷ 18, phụ nữ đã có mặt trong lĩnh vực báo chí. nhiều nữ nhà báo đã được vinh danh với những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Năm 1787, bà Therese Huber (người Đức) được ghi nhận là nữ biên tập viên đầu tiên được trả lương ở một tờ báo.
Vào những năm 1830, Fredrika Runeberg được xem là nữ nhà báo đầu tiên với những bài thơ và bài báo viết cho tờ Helsingfors Morgonblad (Phần Lan). Bà Anne Royall (1769 - 1854) là nữ nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên ở Mỹ với mảng viết về du lịch.
Bà Gerta Pohorylle (1/8/1910 - 26/7/1937), được biết đến với bút danh Gerda Taro, là nữ phóng viên ảnh đầu tiên thiệt mạng khi đưa tin về tiền tuyến trong một cuộc chiến.
Tiếp bước những thế hệ đi trước, hàng loạt các nữ nhà báo truyền cảm hứng đã được lịch sử báo chí gọi tên như: bà Marguerite Durand (1864-1936), người sáng lập ra tờ La Fonde (Pháp). Cùng với đó là những nữ nhà báo có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại như: Dorothy Thompson, Barbara Walters, Christiane Amanpour…
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo nên phải đến đầu thế kỷ XX, khi phong trào nữ quyền du nhập cùng văn hoá phương Tây vào Việt Nam, tiếng nói của phụ nữ mới xuất hiện trên báo chí.
- Theo thống kê chưa đầy đủ, trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã có gần 600 nhà báo - liệt sỹ ngã xuống ở các chiến trường, trong đó có 66 nhà báo nữ- liệt sỹ.
- Theo thống kê của Ban nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam), Hội Nhà báo Việt Nam hiện có 24.242 hội viên, trong đó có khoảng 9.870 hội viên nữ.
- Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm 57 đồng chí, trong đó có 7 người là nữ.
Vào năm 1918, bà Sương Nguyệt Anh đã gây tiếng vang khi làm chủ bút một tờ báo dành cho phụ nữ - tờ tuần báo Nữ Giới Chung ra đời ngày 1/2/1918. Từ đây, nhiều tờ báo dành cho phụ nữ đã ra đời như:
Phụ nữ Tân Văn (1929 - 1935), Phụ nữ thời đàm (1930 - 1934), Phụ nữ Tân tiến (1932 -1934), Phụ nữ thời đàm tại Hà Nội (1930 -1934), Đàn bà mới (1930-1937), Tân nữ lưu (1935 -1936), Việt nữ (1937 -1939)…
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, thêm nhiều tờ báo cho phụ nữ ra đời, tiếp tục đồng hành với sự tiến bộ của phụ nữ. Ngày 8/3/1948, Báo Phụ nữ Việt Nam ra đời, là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Từ đó đến nay, dòng báo dành cho phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển song song cả về số lượng lẫn chất lượng.
Cùng với sự phát triển của báo chí Việt Nam và dòng báo nữ, đội ngũ nhà báo nữ lớn mạnh không ngừng. Trong suốt hơn một thế kỷ vừa qua, trong những giai đoạn quan trọng nhất của đất nước luôn có dấu ấn của những nhà báo nữ.
Nhiều nữ nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường. Khi Tổ quốc cần, các nữ nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, sẵn sàng hy sinh để làm nhiệm vụ.
Đặc biệt, với các nhà báo nữ, giá trị nhân văn, lòng nhân ái, vị tha luôn được họ chú trọng, tạo ra nhiều bài báo xúc động, truyền cảm hứng, tiếp thêm niềm tin, tạo được sự đồng cảm, sẻ chia trong cộng đồng, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
"Chỉ còn 2 năm nữa, nền báo chí Cách mạng nước nhà sẽ chạm mốc trăm năm. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, báo chí cách mạng nước nhà sẽ phải có những thay đổi mạnh mẽ cho phù hợp với những chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước, quốc tế cũng như đời sống báo chí, truyền thông, tuy nhiên, sứ mệnh cốt yếu của báo chí cách mạng Việt Nam vẫn vẹn nguyên và rất nhất quán trong mọi hoàn cảnh, đó là phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.
Vì vậy, hơn lúc nào hết những người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các cấp cần phát huy những truyền thống tốt đẹp của báo chí Cách mạng Việt Nam. Đó là truyền thống vững vàng về bản lĩnh chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc. Đó là truyền thống luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp Cách mạng của dân tộc, theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đó là truyền thống luôn luôn sáng tạo, tự đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, từ những hạn chế, khuyết điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng đối với báo chí thời gian qua, mỗi người làm báo cần chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn; nhiệt huyết, thông tin nhanh, chính xác, khách quan, chân thực, kịp thời, có trách nhiệm, văn hóa; không để bị chi phối, suy thoái trước những "cám dỗ", làm mất đi tính khách quan, trung thực trong mỗi tác phẩm báo chí.
Đặc biệt, từ phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí", lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng như mỗi người làm báo cần nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh".
Trích "Thư chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam" của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn