Kỷ niệm Ngày TBLS 27-7: Bức tranh “Uyên ương thêu dở”

07:20 | 24/07/2017;
Với hơn 31.000 hiện vật đang được trưng bày, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ được xem là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước tìm về một thời lịch sử đấu tranh hào hùng, bảo vệ Tổ quốc...
Bức tranh “Uyên ương thêu dở” của bà Nguyễn Thị Lựu hiện đang trưng bày ở Bảo tàng là một trong những hiện vật khá đặc biệt. Theo tài liệu tại Bảo tàng ghi lại, bà Nguyễn Thị Lựu (dì Tám Lựu, SN 1909) quê ở tỉnh Đồng Tháp, tham gia cách mạng từ 1927.
1.JPG
Những chiếc khăn thêu được trưng bày trong bảo tàng      Ảnh: PT


Bà từng được tín nhiệm giữ nhiều trọng trách: Thường vụ Tổng Công hội Đỏ Xứ ủy Nam Kỳ khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn; Bí thư Ban Phụ vận kiêm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn; Phó Chủ tịch Phong trào bảo vệ hoà bình TP. Sài Gòn - Chợ Lớn; Bí thư Ban Trí vận; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Xứ ủy Nam Kỳ; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Phó Tổng thư ký kiêm Vụ trưởng Vụ Quốc tế Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại biểu Quốc hội các khóa II – III – IV. 

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Lựu tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Quốc hội - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu vào tháng 7/1979.

Bà là một trong những thành viên sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ… Bà được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Bức tranh “Uyên ương thêu dở” là chiếc áo gối bà thêu cho ngày thành hôn của mình, là minh chứng cho một tình yêu son sắt với người yêu là một chiến sĩ Cách mạng, gắn liền với tình yêu đất nước quê hương trong thời chiến.

2.JPG
Bức tranh “Uyên ương thêu dở” . Ảnh: PT


Thế nhưng, khi bức tranh thêu chưa hoàn thành, khi chuyện tình chưa đơm hoa kết trái thì người con gái tên Lựu nhận được hung tin người chồng hứa hôn vì vượt ngục Côn Đảo không thành mà bị bắn chết. Cũng kể từ đó, bà ở vậy và không lập gia đình.

Bức tranh “Uyên ương thêu dở” được xem là tài sản quý báu nhất bà mang theo suốt cuộc đời. Nỗi đau, niềm nhớ thương đã phải chôn chặt trong tim, cho đến lúc bà đi vào cõi vĩnh hằng. Sau này, những người bạn thân thiết của bà tìm thấy bức tranh và nó trở thành hiện vật kháng chiến được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Bên cạnh bức tranh “Uyên ương thêu dở” của bà Nguyễn Thị Lựu, hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trưng bày nhiều “chiếc khăn thêu trong tù “ khác. Đó là các hiện vật quý giá được nhiều người chú ý mỗi khi tới đây.

Điều này cũng dễ hiểu vì các mẹ, các chị đã gửi gấm tâm tư tình cảm vào từng đường kim mũi chỉ. Từng bức tranh hay chiếc khăn thêu khéo léo, tỉ mỉ đẹp cả về hình thức lẫn nội dung. Chủ nhân của nó là những người phụ nữ chung thủy sắc son. Họ luôn mơ đến ngày đất nước hòa bình, ngày phá tan gông xiềng trở về sum họp gia đình và ngày lứa đôi cách trở được nên duyên vợ chồng…  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn