Kỹ sư Lê Văn Tạch: Xăng giả có thể gây cháy nổ động cơ xe

21:55 | 09/06/2019;
Thông tin đường dây mua bán xăng giả vừa được lực lượng công an triệt phá mỗi tháng đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 6 triệu lít xăng giả khiến người tiêu dùng lo lắng, khi mà mỗi lít xăng giả chỉ có 50% là xăng A95. Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đối với động cơ của phương tiện sử dụng?

Mới đây, cơ quan CSĐT vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả có quy mô đặc biệt lớn trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố. Theo lời khai bân đầu của các đối tượng thì thành phần xăng giả bao gồm: 40% xăng Ron 95; 40% xăng Ron 87; 13% phụ gia và 7% là chất tạo màu. Tuy nhiên, qua giám định hơn 100 mẫu xăng giả, cơ quan CSĐT xác định, lượng phụ gia mà sử dụng để tạo ra xăng giả còn nhiều hơn. Tới 30% phụ gia, 20% chất tạo màu, 50% xăng A95 thật để tạo ra xăng A95 giả.

Thông tin trên đã khiến người tiêu dùng lo lắng, bởi chắc chắn rằng với hàng triệu lít xăng đã bán ra thị trường mỗi tháng thì số người mua và sử dụng không phải là nhỏ. Vậy, việc sử dụng xăng giả nguy hiểm như thế nào, cách nhận biết ra sao là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

xang_gia3.jpg
Lực lượng công an khám xét các địa điểm sản xuất xăng giả. Ảnh: Minh Lộc

 

Trao đổi với PNVN về vấn đề này, kỹ sư Lê Văn Tạch (nguyên kỹ sư công ty Toyota Việt Nam) cho biết, nếu mua và sử dụng phải xăng giả, động cơ xe sẽ bị ảnh hưởng, nhất là xe máy.

Theo kỹ sư Tạch, trong xăng giả sẽ có lượng xăng ete và pha dung môi làm tăng chỉ số Octance. Đặc biệt, việc sử dụng xăng giả có thể làm hao mòn nhanh các chi tiết máy, giảm công suất động cơ và tuổi thọ của động cơ cũng bị ảnh hưởng.

Thực thế, ở những xe sử dụng phải xăng giả thường gặp hiện tượng khó đề và chết máy khi đang chạy. Các bộ phận của xe bị ảnh hưởng trực tiếp do xăng bẩn gồm hệ thống bơm xăng, các cảm biến của động cơ có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho bộ điều khiển trung tâm ECU của xe, dẫn đến lỗi bơm nhiên liệu, lỗi động cơ. Thậm chí gây cháy nổ động cơ.

Ngoài ra, xăng giả thường có hàm lượng chì cao. Chì thải ra ngoài sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. “Việc sử dụng phải xăng giả có nhiều nguy cơ, nhưng rõ rệt nhất là động cơ bị ảnh hưởng. Nếu động cơ vẫn phải hoạt động có thể dẫn đến cháy nổ", Kỹ sư Tạch cho biết.

Kỹ sư Tạch cũng cho biết, để nhận biết được xăng giả hay thật rất khó, nhất là khi xăng đã đổ vào trong bình và người dân không thể sử dụng mắt thường để nhận biết được. Tuy nhiên, người dân có thể nghi ngờ việc mua phải xăng kém chất lượng khi xe có hiện tượng ga chậm, tăng tốc chậm hoặc khó khởi động.

Ngoài ra, khi xe đang chạy nhưng bị tắt máy đột ngột thì người dân cũng cần phải xem xét lại nguyên liệu. Tuy có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhưng xăng kém chất lượng cũng là nguyên nhân phổ biến.

xang_gia.jpg
Họp báo công bố vụ án buôn bán xăng giả.

 

Ngày 6/6, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức họp báo thông tin kết quả điều tra bước đầu vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Cuối năm 2018, đầu năm 2019, qua công tác trinh sát, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện một đường dây sản xuất, buôn bán xăng dầu giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và một số tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 13/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 9 bị can và ra lệnh bắt tạm giam 8 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 1 bị can để điều tra về hành vi “sản xuất, kinh doanh hàng giả” theo quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự 2015. Các quyết định và lệnh của Công an tỉnh Đắk Nông đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Từ ngày 28/5 đến 2/6, Ban Chuyên án đã chỉ đạo tổ công tác phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với chất kích “RON,” bột tạo màu thành xăng giả.

Khám xét sáu địa điểm là nơi các đối tượng pha trộn và cất giấu dung môi thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng. Đến nay đã tạm giữ gần 3,3 triệu lít dung dịch các loại, trong đó có gần 2,2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, hơn 430.000l dung môi chưa pha, 50kg chất tạo màu và hàng chục tàu, xe, máy bơm, và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.

Căn cứ các tài liệu thu thập được, ngày 5/6, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can bị khởi tố lên 23 bị can.

Các quyết định và lệnh khởi tố của Công an tỉnh Đắk Nông đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Từ 1/1/2017 đến nay, các đối tượng đã chi hơn 3.000 tỷ đồng để mua dung môi và các nguyên liệu pha chế xăng giả. Mỗi tháng đưa ra thị trường tiêu thụ trên 6 triệu lít xăng giả.

Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, khẳng định: Các đối tượng sử dụng dung môi, pha với xăng, chất tạo màu và một số “hương liệu” để phù phép thành xăng giả. Kết quả kiểm nghiệm khẳng định xăng giả không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất động cơ, thậm chí có thể làm hỏng động cơ.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy xe được xác định liên quan tới xăng giả và cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ. Đến nay, Công an tỉnh Đắk Nông xác định ba cửa hàng đã tiêu thụ xăng dầu giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả này. Các cửa hàng này có địa chỉ tại huyện Đắk R’Lấp, thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk G’Long.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn