Khi “trái tim” của nước Mỹ như bị tan vỡ bởi cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào tòa tháp đôi, họ, những đứa trẻ bị mất đi cha mẹ, người thân còn rất nhỏ, thậm chí có bé còn chưa được sinh ra.
Số liệu thống kê cho thấy có hơn 3.000 trẻ em và trẻ vị thành niên bị mất cha mẹ trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu trên đất Mỹ cách đây 15 năm. Chính điều này khiến họ được biết đến như những “đứa con 11/9”.
Sau 15 năm, những đứa trẻ ngày nào giờ đã khôn lớn. Bằng nhiều cách khác nhau, họ vượt qua sự mất mát, họ theo đuổi những ước mơ được tạo ra từ chính những mất mát, nỗi trăn trở, niềm nhớ mong mà họ phải trải qua trong suốt quãng thời gian qua.
Và dưới đây là một số câu chuyện được kể từ chính những người trong cuộc.
“Mọi thứ giống như một vòng tuần hoàn”
Đây là chiêm nghiệm của Lindsay Weinberg, một trong những “Đứa con 11/9”. Công việc hiện tại của cô là tìm kiếm và thông báo với những gia đình có người đã thiệt mạng trong những xung đột bạo lực. Cô chia sẻ đó là một công việc đặc biệt mà cô đã chuẩn bị sẵn sàng từ lâu để làm nó.
Lindsay Weinberg (bên trái) và bố của cô. |
Vào năm 2002, khi Weinberg 12 tuổi, chính tại văn phòng giám định y khoa của thành phố New York, cơ quan hiện tại mà cô đang công tác, người ta đã thông báo đến gia đình cô rằng họ đã xác định được thi thể của cha cô – một trong những người xấu số ra đi vào ngày định mệnh 11/9. Được biết trước khi mất, cha cô làm quản lý kế toán tại trung tâm thương mại.
Lindsay Weinberg bên bố khi còn nhỏ. |
Steven Weinberg cho biết chính sự mất mát này đã giúp cô có thể đồng cảm hơn với những người khác.
Không gục ngã trước nỗi đau, Lindsay tiếp tục con đường học vấn và lấy bằng thạc sĩ tại chính nơi đã báo tin xấu cho gia đình cô. Hiện, cô là một điều tra viên cộng đồng chuyên phân tích hơn 21.000 mảnh xương được tìm thấy tại nơi xảy ra sự kiện 11/9.
Cô nói rằng, công việc hiện tại của cô tại phòng pháp y không phải là do 11/9 đem lại mà nó giống như là một “vòng tuần hoàn” vậy.
“Tôi chọn đấu vật - điều mà tôi và cha đã chia sẻ với nhau nhiều nhất"
Vào năm 2014, Thea Trinidad hãnh diện bước ra từ sàn đấu của Madison Square Garden. Đây là lần đầu tiên, cô tham gia một trận đấu vật chuyên nghiệp kể từ khi cô đứng cùng cha mình tại đây.
Cô lặng lẽ nhìn lên ghế nơi họ vẫn luôn ngồi, và theo cô, nó “như một cú đấm giáng vào tim”.
Cô bé Thea Trinidad ngày nào giờ đã trở thành một nữ sĩ đấu vật. |
Khi mới lên 10 tuổi, cô đã phải chứng kiến cuộc gọi cuối cùng giữa cha và mẹ. Khi đó, cha cô nói lời tạm biệt với mẹ con cô trong tuyệt vọng tại tòa tháp phía bắc khu Trung tâm thương mại. Đây là nơi mà cha cô đang làm việc như một nhà phân tích viễn thông.
Khi lớn lên, cô luôn băn khoăn không biết là thế nào để khiến ông tự hào: “Tôi nghĩ 'Điều gì là điều mà tôi và cha đã chia sẻ với nhau nhiều nhất?' và đó là đấu vật”.
Thea Trinidad bên bố thuở nhỏ. |
Thea Trinidad mạnh mẽ của hiện tại. |
Cha cô là một cựu đô vật tại trường trung học vì vậy ông thường dẫn đứa con gái “tomboy” của mình theo mỗi khi đi tập. Khi cô nhảy lên sàn tập, ông đã chỉ cho cô các kỹ thuật đấu vật. Khi lớn lên, vì không muốn bị coi là lấy danh tiếng của cha để làm “bệ phóng tên tuổi” cùng như không muốn ai cảm thấy cô đang lấy tình cảnh đáng thương của mình để “câu kéo” sự ủng hộ, cô đã thi đấu dưới biệt danh Divina Fly và Rosita.
Tuy nhiên, năm 2011, khi câu chuyện của cô được tiết lộ, tạp chí đô vật nổi tiếng Pro Wrestling đã vinh danh cô như một nhà đấu vật truyền cảm hứng cho mọi người.
Cô chia sẻ rằng, cô cảm thấy tinh thần của cha mình mỗi lần bước lên sàn đấu. Và cô nghĩ: “Điều này là cho cha”.
“Không để điều khủng khiếp đánh gục tôi”
Vài năm sau thảm họa 11/9, Michael Massaroli vẫn nhận được một thùng đầy những lá thư chia buồn về sự ra đi của cha anh mà rất nhiều người đến từ khắp trên cả nước gửi về, thậm chí là cả nước ngoài, những người mà anh chưa từng gặp bao giờ.
Michael Massaroli, người có cha thiệt mạng trong ngày 11/9. |
Khi đó, Michael mới 6 và mẹ của anh khi đó vừa mới hạ sinh một bé gái 2 tháng trước đó.
Anh chia sẻ: “Mọi người đều rất tốt bụng và rất quan tâm đến chúng tôi, điều này thực sự khiến tôi muốn cố gắng làm được điều gì đó, chẳng hạn như phát triển sự nghiệp mà tôi có thể giúp đỡ những người khác”.
Và mong muốn này đã đưa anh đến với dịch vụ công cộng và chính trị. Sau khi kết thúc những năm trung học, anh thực tập tại Hội đồng nhà nước. Và hiện tại, ở tuổi 21, khi vừa mới tốt nghiệp từ Đại học George Washington, anh đã nhận được công việc đầu tiên của một công ty tại Washington với vai trò quản lý tài chính cho một chiến dịch chính trị của họ.
Michael Massaroli chụp cùng cha khi còn nhỏ và ảnh chân dung cha của Michael Massaroli (ảnh bên phải). |
Anh chia sẻ: “Tôi thực sự đã cố gắng và ít nhất tôi đã có thể phát triển cá nhân mình một cách tích cực, thoát khỏi những điều thực sự khủng khiếp chứ không phải là để nó đánh gục tôi”.
“Tôi nhìn thấy cách mà thức ăn đem mọi người đến gần nhau hơn”
Anjunelly Jean-Pierre đã từng ước mơ rằng, tương lai cô sẽ nhập ngũ, trở thành luật sư hay bác sĩ như mẹ cô mong muốn. Nhưng tất cả đã “chệch” sang một hướng khác khi mẹ cô, bà Maxima Jean-Pierre tử vong tại quán cà phê mà bà đang quản lý trên tòa tháp đôi.
Anjunelly Jean-Pierre (bên trái) và chị gái. |
Trong vài năm liền, Anjunelly luôn trong trạng thái buồn chán nhưng sau đó cô đã quyết định cô muốn làm những gì mà mẹ đã làm. Cô nấu những bữa ăn tối chủ nhật bên bạn bè và gia đình. Cô chia sẻ: “Tôi nhìn thấy cách mà thức ăn đem mọi người đến gần nhau hơn”.
Anjunelly hiện đang làm quản lý trong phòng ăn của các thành viên trong Quốc hội Mỹ.
Mẹ của Anjunelly Jean-Pierre trong kỷ niệm đám cưới năm 1999. |