Ký ức kinh hoàng tuổi 13

13:02 | 01/11/2015;
Tần tảo làm ăn xa, chị Nữ không ngờ có ngày câu chuyện đau lòng lại ập đến cuộc đời con gái chị.
Chị Thanh Tâm thân mến!
Tôi năm nay 58 tuổi, có hai con gái, một cháu 17, một cháu 13. Tai họa ập xuống đầu đứa con gái nhỏ của tôi, thương con đứt ruột nhưng tôi ít học, già cả lại nghèo khó nên không biết phải làm gì.
Tôi đã từng lập gia đình, sinh con nhưng cả chồng và con trai tôi đều bệnh nặng rồi mất. Tôi ở vậy đến năm 40 tuổi thì đi bước nữa với một người đàn ông làm thuê trong vùng. Chồng tôi thật thà, hiền lành nhưng được vài năm thì bệnh tật, già yếu, lẩn thẩn không ai thuê mướn nữa. Cả gia đình 4 miệng ăn trông cả vào gánh thuốc nên tôi đành phải gồng gánh sang Nam Định, Thái Bình bán rong quanh năm suốt tháng không mấy khi về nhà.
Vừa rồi, cháu lớn gọi điện “Mẹ về ngay, em có chuyện!”. Tôi luống cuống bắt ngay xe về Hòa Bình. Về nhà, tôi đau lòng thấy con gái đau đớn vùng bụng, choáng ngất, đã phải nghỉ học dài ngày, tâm lý hoảng loạn. Càng đau lòng hơn khi chứng kiến con run rẩy trong lòng mình, nức nở ngắt quãng câu chuyện bị hãm hiếp như thế nào.
Mong chị Thanh Tâm hãy hướng dẫn gia đình tôi cách thức để có thể tố cáo kẻ đã làm hại đời con gái tôi.
Nguyễn Thị Nữ (Hòa Bình)

Chị Nữ thân mến!
Sự việc đã xảy ra với con gái chị rất nghiêm trọng và cần phải được điều tra, xử lý đúng pháp luật. Nhưng bức thư quá ngắn của chị, hầu như không có một tình tiết cụ thể nào của câu chuyện, lại không có địa chỉ liên lạc cụ thể của chị nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho chị.
Có 2 điểm dễ nhận ra. Thứ nhất, tại và ngay sau thời điểm xảy ra vụ việc, do quá hoảng sợ, cháu đã không có những chia sẻ kịp thời với người lớn, chính vì thế mà gia đình cũng như cơ quan chức năng đã không thu thập được các bằng chứng chính xác, cụ thể buộc tội đối tượng. Hiện giờ, nếu giám định, chỉ có thể xác định cháu bé có dấu hiệu bị xâm hại tình dục hay không chứ không thể xác định đối tượng xâm hại cháu là ai.
con-gai-2.jpg

Gia đình có thể xoa dịu đi nỗi đau xâm hại trong lòng cháu (ảnh minh họa)

Thứ hai, để có những bằng chứng xác đáng hơn, chị hãy hỏi kỹ cháu các thông tin, ví dụ: Bộ quần áo cháu mặc ngày xảy ra vụ việc, những dấu hiệu đặc biệt trên cơ thể đối tượng, những thương tích (có thể) cháu đã gây ra cho hung thủ khi cháu giằng co, chống trả...
Tuy nhiên, việc kiện cáo, đòi lại công bằng không cấp thiết bằng việc ổn định lại tinh thần cho cháu bé. Việc tranh kiện sẽ chiếm của cháu nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc học, việc sinh hoạt. Dư luận sẽ xì xào tạo nên sức ép về tâm lý. Trong quá trình điều tra, việc lặp đi lặp lại các tình tiết sẽ khắc sâu vào trí nhớ và có thể tăng thêm mức độ tổn thương của cháu... Chính vì thế, trước khi bắt đầu việc tranh kiện, gia đình hãy chú trọng đến cháu nhiều hơn, xoa dịu đi nỗi đau xâm hại trong lòng cháu, xóa bỏ dần những mặc cảm để cháu hiểu rằng sự việc xảy ra không phải là dấu chấm hết cho tương lai, người thân trong gia đình luôn bên cháu và thời gian sẽ dần làm mờ đi những ký ức xấu.
Nếu bắt đầu việc thưa kiện, cần chuẩn bị tinh thần để cháu hiểu, việc cháu hợp tác điều tra sẽ giúp trừng trị tội phạm, bảo vệ cho chính cháu và những em bé khác được an toàn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn