Kỷ niệm lần gặp Bác của anh phóng viên trẻ
Tròn 60 năm sau ngày được gặp Bác Hồ, nhưng hình ảnh vị Cha già đáng kính của dân tộc Việt Nam luôn ở trong tâm trí ông Phan Duy Hương (SN 1939, trú ở TP Vinh, Nghệ An). Từng câu chuyện trong lần đầu tiên được gặp Bác lại ùa về như một ký ức không bao giờ phai trong người phóng viên thuở xưa.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất hiếu học và giàu truyền thống thơ ca tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ông Phan Duy Hương đã kế thừa và phát huy được truyền thống của gia đình và dòng họ. Lớn lên, ông vào TP Vinh theo học ngành sư phạm và sau đó vào làm Báo Nhân dân Nghệ An (tiền thân Báo Nghệ An). Với bút danh Dương Huy, ông là một trong những thế hệ phóng viên đầu tiên để lại cho đời nhiều tác phẩm quý giá. Sau này, ông chuyển sang công tác tại Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An và sáng tác nhiều bài thơ hay, trong đó có bài "Chú ở bên Bác Hồ" được in vào Sách giáo khoa lớp 3.
Nhớ lại kỷ niệm tác nghiệp và lần vinh dự được có mặt trong dịp Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 (tháng 12/1961), ông Hương kể: "Thời điểm đó tôi mới về công tác tại Báo Nhân dân Nghệ An (nay là Báo Nghệ An) được mấy tháng. Lúc đầu, tôi không nằm trong danh sách được lên Nông trường Đông Hiếu trong chuyến Bác đi thăm công nhân trên ấy, nên không chuẩn bị gì cả. Sáng 10/12/1961, tôi bất ngờ được cắt cử đi cùng đoàn từ thị xã Vinh lên huyện Nghĩa Đàn. Thời đó, tôi gầy nên được anh em mượn cho chiếc áo Tôn Trung Sơn và 1 cái mũ, mặc vào cho dáng vẻ già dặn hơn. Sáng ngày 8/12/1961, tôi đi xe cùng đoàn với ông Võ Thúc Đồng – Bí thư Tỉnh ủy lên nông trường Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa đón Bác".
Sau khi thăm HTX cao cấp Vĩnh Thành, lá cờ đầu về phong trào trồng cây toàn miền Bắc, Bác đi máy bay trực thăng lên nông trường Đông Hiếu.
Được tin Bác Hồ về thăm, từ sáng sớm, hàng vạn người dân huyện Nghĩa Đàn đã tập trung tại sân Nông trường, ai cũng háo hức, mong chờ được gặp, được nghe Bác nói chuyện. Vừa bước xuống máy bay, Bác đưa tay vẫy chào bà con rất thân thiện. "Trước khi ghé nông trường Đông Hiếu, Bác ghé thăm đồi cà-phê. Bác đến lán ở của công nhân, ân cần thăm hỏi đời sống, công việc của các công nhân. Trên đường đi, nhìn thấy một cháu nhỏ chừng 2-3 tuổi theo mẹ lên rẫy, Bác tiến lại gần âu yếm đứa bé rồi lại đi tiếp. Lúc đó, tôi bắt gặp được khoảnh khắc đầu tiên về Bác và cảm nhận Bác là người mộc mạc, dễ gần. Vậy là những lo lắng, hồi hộp ban đầu dường như tan biến hết" – ông Hương kể thêm.
Suốt chuyến tác nghiệp, phóng viên Phan Duy Hương vẫn bám theo Bác để nghe và nhớ lại những lời Bác dặn dò bà con để viết bài. Cầm cuốn sổ trên tay nhưng chủ yếu lưu lại hình ảnh, câu chuyện về Bác bằng trí nhớ chứ không kịp chép vào sổ. "Bác bước đi rất nhanh, sải dài nên hầu như tôi phải chạy theo mới kịp. Hôm đó, được tin Bác Hồ về thăm, từ sáng sớm, hàng vạn người dân huyện Nghĩa Đàn đã tập trung tại sân nông trường Đông Hiếu, ai cũng háo hức, mong chờ được gặp, được nghe Bác nói chuyện. Trong buổi nói chuyện hôm ấy, Bác dặn: Nông trường có điểm mạnh về kỹ thuật, phải hỗ trợ đồng bào địa phương về kỹ thuật sản xuất, HTX và đồng bào cũng phải giúp đỡ nông trường. Chúng ta phải đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ" – ông Hương nói.
Kỷ vật của người phóng viên xứ Nghệ
Trưa hôm đó, Bác về nông trường nghỉ ngơi. "Biết đây là cơ hội hiếm có để được gặp và chụp chung tấm ảnh với Bác nên cả trưa hôm đó tôi cứ đứng trước phòng Bác nghỉ. Thấy vậy, mấy anh phóng viên "xúi" tôi lát nữa xin Bác chụp ảnh. Lúc đó, ai cũng nghĩ rằng đây là cơ hội ngàn năm có một, chắc không bao giờ có lần thứ 2 nên gắng chờ đợi nhưng không ai dám mở lời. "Đợi khi Bác dậy, tôi mạo muội mở lời muốn chụp chung với bác kiểu ảnh và Bác đồng ý. Lúc này, anh em phóng viên đều xúm lại. Thế là, tập thể lãnh đạo, người dân và anh em báo chí đều được chụp chung tấm hình lưu niệm với Bác" - cựu phóng viên Phan Duy Hương nhớ lại.
Sau chuyến công tác trở về, phóng viên Phan Duy Hương đã viết bài và được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đọc và chỉnh sửa. Sau khi bài báo đăng đã tạo được sự lan tỏa lớn, những lời căn dặn của Người dành cho bà con nhân dân Nghệ An. Bằng sự ghi nhớ và cảm nhận về lần đầu tiên gặp Bác Hồ, ông đã sáng tác bài thơ "Bác lên nông trường".
Bài thơ có đoạn: "Nông trường một sáng mờ sương. Bác về nắng tỏa lên sườn non cao. Núi rừng quây lại đón chào. Rì rừng suối hát xôn xao lá cành... Bác đi suối lặng đứng nhìn. Rừng giơ tay vẫy, suối tìm hướng chân. Bác về mang lại mùa xuân. Bác đi hạnh phúc nảy mầm đơm hoa".
Sau lần vinh dự được gặp và chụp chung bức ảnh với Bác Hồ, ông Hương trở lại cơ quan làm việc. Ông kể, vì thời điểm đó thông tin kết nối còn hạn chế, nên dù bản thân rất muốn nhìn lại bức ảnh được chụp chung với Bác nhưng không biết đi đâu, tìm ai.
Mấy chục năm sau lần gặp Bác Hồ, bỗng một ngày giám đốc Bảo tàng Kim Liên mới gọi điện cho ông Phan Duy Hương và tiết lộ có một bức ảnh có mặt ông Hương chụp chung với Bác Hồ tại nông trường Đông Hiếu. Theo lời kể của Giám đốc Bảo tàng thì đây là bức ảnh do một người bạn ở miền Nam gửi tặng bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác. "Khi được nhận bức ảnh chụp chung cùng Bác thì cảm xúc rất khó tả, háo hức lắm, bởi tôi cũng không hề biết mình có bức ảnh chụp chung với Bác ở cự ly gần như thế. Lục lại trong trí nhớ thì tôi mới ngỡ ra đó là khoảnh khắc Bác Hồ đang hỏi chuyện các cô công nhân người dân tộc và tôi đứng kế bên nghe ngóng. Bức ảnh đã trở thành kỷ niệm vô giá của tôi trong lần đầu tiên và duy nhất được gặp Bác" – ông Hương xúc động.
Bức ảnh quý trên đã được ông Hương sao chép rồi đưa về nhà đóng khung, lưu giữ trong phòng mình như một kỷ vật vô giá. Với ông, đó là kỷ niệm quý của cuộc đời mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn