Các nội dung của chuỗi hoạt động gồm: Hội thảo Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong bối cảnh xã hội đương đại vào ngày 21/11. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các nghệ nhân trao đổi về vấn đề bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống của Việt Nam trong bối cảnh xã hội hiện nay, giúp mọi người tìm hiểu về giá trị thẩm mỹ, văn hóa của áo dài truyền thống.
Triển lãm Việt Thiền Thi - Ngàn năm văn vật được tổ chức từ ngày 21/11 đến ngày 15/12, giới thiệu cuốn sách thơ thiền đời Lý - Trần, bộ ảnh minh họa in trên giấy dó của nhà văn Nguyễn Duy và trưng bày những hiện vật tiêu bản - chất liệu như gốm, sành, đất trang trí theo lối dân gian với kỹ năng của các nghề truyền thống như sơn, thếp, giấy, mây tre đan, nặn tượng dân gian...
Ngày 21/11, chương trình trình diễn âm nhạc truyền thống Việt Thiền âm cũng diễn ra dựa trên lời thơ Thiền Việt với âm sắc của tiếng Việt hôm nay trong âm điệu của nhiều bộ môn ca nhạc truyền thống: tuồng, chèo, xẩm...
Ngoài ra, chuỗi hoạt động còn giới thiệu văn hóa trà San Tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh Hà Giang – Hội nhập và phát triển từ ngày 20 đến 29/11; biểu diễn ca trù của CLB Ca trù Hà Nội vào tối 20/11...
Theo Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, điểm nhấn của chuỗi hoạt động là chương trình khai mạc giới thiệu và trình diễn thời trang Chuyện phố diễn ra vào 19h30 ngày 22/11. Qua trang phục áo dài truyền thống của nghệ nhân Năm Tuyền và bộ sưu tập thời trang của nữ họa sĩ Trần Thu, người xem sẽ được "nghe" câu chuyện về Thăng Long - Hà Nội bình yên, hào hoa, thanh lịch và giàu bản sắc nhưng cũng vô cùng năng động, sáng tạo và hiện đại. Đặc biệt, Chuyện phố được trình diễn bởi những người mẫu không chuyên.
Các hoạt động Ký ức Thăng Long được tổ chức tại các địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ), đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn