Ký ức về thảm họa diệt chủng của phát xít Đức

11:13 | 06/05/2016;
Đau thương là cảm giác còn ám ảnh bà Rena Quint (80 tuổi) - cựu tù nhân trong trại tập trung Bergen-Belsen (Đức) trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
 Binh lính Israel tưởng niệm 6 triệu nạn nhân thảm họa diệt chủng Holocaust ngày 5/5/2016.
Ngày 5/5, Israel đã tổ chức lễ tưởng niệm 6 triệu nạn nhân thảm họa diệt chủng Holocaust do Đức Quốc xã tiến hành trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nghi lễ đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân được tổ chức trang trọng nhất tại Khu tưởng niệm Yad Vashem Holocaust tại Jerusalem với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao chính phủ Israel, các nhà ngoại giao nước ngoài cùng những người dân Do Thái sống sót thoát khỏi thảm họa trên.
Thảm họa diệt chủng Holocaust được Đức Quốc xã tiến hành trên toàn lãnh thổ chiếm đóng tại 35 quốc gia châu Âu có người Do Thái sinh sống. Các nạn nhân bị bắt và đưa đến các trại lao động tại một số nước, sau đó bị hành quyết. Những vụ hành quyết tập thể xảy ra nhiều nhất tại Đông và Trung Âu trong năm 1939. Cuộc thảm sát này không có bất kỳ ngoại lệ nào, bao gồm cả những đứa trẻ. 
Bà Rena Quint - cựu tù nhân trong trại tập trung Bergen-Belsen (Đức)
Trong số ít những người dân Do Thái sống sót thoát khỏi thảm họa, bà Rena Quint đã kể về hành trình đau khổ của cuộc đời bà. Mẹ và anh em của bà Quint đã bị sát hại ở Treblinka (Ba Lan). Còn cha bà bị bắt đi làm lao động nô dịch và cũng đã bị Đức Quốc xã giết hại. Khi người Anh giải phóng Bergen-Belsen ngày 15/4/1945, Quint gần như chỉ còn thoi thóp trong đống xác chết chất đầy. Theo nhiều sử gia, chỉ tính riêng tháng 3/1945, hơn 18.000 tù nhân đã chết ở trại tập trung Bergen-Belsen. Khi quân đồng minh giải phóng nơi đây, các binh sĩ đã sốc khi ngửi thấy mùi hôi thối kinh hoàng bốc lên từ những xác chết tù nhân.
Sau những năm tháng kinh hoàng dưới thời Phát xít Đức, bà được đưa sang sống ở Mỹ. Giờ Quint là bà của 22 đứa cháu và cụ của 19 đứa chắt. Bà Quint chia sẻ: ‘Tôi thực sự may mắn khi sống sót qua những năm tháng khủng khiếp đó. Để sống được đến bây giờ, tôi vô cùng biết ơn 6 người phụ nữ đã chăm sóc tôi như mẹ từ khi tôi 3 tuổi rưỡi cho đến lúc 9 tuổi rưỡi. Hình như Chúa luôn che chở tôi vì khi tôi mất người mẹ này thì lại có người khác đến chăm sóc cho tôi...”.
 
Bà Rena Quint chia sẻ câu chuyện cuộc đời với các sinh viên
Thảm họa diệt chủng Holocaust luôn là điều ám ảnh và đè nặng lên tuổi thơ của bà Quint. Khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan tháng 9/1939, Piotrkow - khu ổ chuột của người Do Thái nơi Quint đã trở thành nơi nguy hiểm. Cơn ác mộng lớn nhất đối với Quint là vào một đêm tháng 10/1942, cả gia đình bà bị đuổi ra khỏi nhà và dồn về trung tâm thành phố. Mọi người bị đánh đập dã man và bị đối xử như thú vật. Bà cùng mẹ, các anh em bị dồn vào một giáo đường. “Tôi không hiểu lúc đó là mẹ hay Chúa đã đẩy tôi thoát khỏi cánh cửa giáo đường khi có người chú vẫy tay giục bà chạy thoát. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ, các anh em mình trước khi họ bị đưa đến Treblinka và bị giết chết. Giờ tôi không mường tượng rõ về mẹ hay nhớ nụ hôn của mẹ ra sao nữa”.
 
Mẹ và anh em bà trong số 860.000 người Do Thái đã bị giết tại Treblinka và hơn 1,5 triệu trẻ em chết trong vụ thảm sát Holocaust. “Tôi đã sống sót trong khi có đến 1,5 triệu bạn nhỏ như tôi đã phải thiệt mạng trước bàn tay tội ác của Đức Quốc xã. Tôi được đưa tới gặp cha, người đã làm việc như một người lao động khổ sai trong một nhà máy thủy tinh. Lúc 6,5 tuổi, tôi được cha cắt tóc giả trai rồi làm việc quần quật suốt ngày đêm. Nỗi ám ảnh nhất đối với tôi và nhiều người khác là sợ chó đến tột độ. Nếu không làm việc cật lực, lính Đức sẽ ném ra ngoài tuyết để lũ chó mặc sức cắn xé...”, bà Quint kể lại
 
Cuối năm 1944, người Đức đã quyết định đưa tất cả các người Do Thái ra khỏi Ba Lan. Quint cùng cha bị đẩy lên xe chở gia súc cùng nhiều người khác. Tất cả 3 ngày 3 đêm không có thức ăn, nước uống nên nhiều người đã chết trên đường đi. “Mỗi khi cánh cửa xe bật mở thì lại có xác chết bị ném xuống tuyết”, bà Quint rùng mình nhớ lại. 
Lực lượng giải phóng Anh chứng kiến nhiều xác người chết ở trại tập trung Bergen-Belsen
Rồi bà Quint bị chia tách khỏi cha rồi bị đưa đến trại tập trung Bergen-Belsen. Cha bà chỉ kịp dúi vào tay một cô giáo, người chăm sóc Quint, mấy tấm ảnh gia đình nhưng sau đó bị bọn lính đốt sạch. Đó là lần cuối Quint gặp cha. Quint không thể nhớ tên người mẹ mới hoặc mô tả bà ấy là người thế nào vì trên đường đi chỉ toàn xác người và máu. Hơn 70 năm sau, Quint vẫn luôn bị ám ảnh với mùi của món súp trong trại Bergen-Belsen. Theo bà, đó là mùi của xác chết quanh quẩn quanh bà... 
Những người thoát chết như bà Quint được chăm sóc trong bệnh viện
Những ngày cuối cùng trước khi Bergen-Belsen được giải phóng, lính canh tưởng bà Quint chết vì bệnh bạch hầu và bệnh sốt phát ban nên ném bà trong đống xác người. May mắn đã đến là quân giải phóng đã tìm thấy Quint còn sống và các nhân viên xã hội đã đưa Quint đến bệnh viện. Sau đó, Quint được chuyển sang Thụy Điển để điều trị tiếp. Ở đó, Quint đã gặp “mẹ” Ann, người đưa Quint cùng hai con mình sang Mỹ sống. Một thời gian sau, khi “mẹ” Ann qua đời, Quint được một cặp vợ chồng vô sinh nhận về nuôi và cho ăn học tử tế. Đến năm 1984, cả gia đình Quint sang Israel sống. Cuộc sống ở Mỹ của cô bé 10 tuổi đã trải qua những năm tháng êm đềm nhưng cho đến lúc xế chiều, bà Quint vẫn luôn bị ám ảnh bởi những ký ức đen tối của một thời tuổi thơ bị đánh cắp dưới chế độ Đức Quốc xã.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn