Trải qua năm 2023 ảm đạm, tình hình đơn hàng của ngành dệt may bước sang năm 2024 với nhiều khởi sắc, nhờ vậy, nhóm doanh nghiệp dệt may ghi nhận đà hồi phục tích cực.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong quý 1/2024 đạt 9,5 tỷ USD. Đây là mức kim ngạch quý 1 tốt nhất trong 8 năm trở lại đây. Con số này cho thấy số lượng đơn hàng ngành dệt may phục hồi tương đối tốt sau sự sụt giảm nghiêm trọng vào cùng kỳ năm 2023 (7,1 tỷ USD).
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đã kết nối đến hiệp hội để tìm kiếm những đơn vị nhỏ hơn và thuê gia công những đơn hàng lớn.
Điển hình là Dệt may Thành Công (TCM, HOSE) khi mới đây được dự báo tăng tới 3.000% lợi nhuận quý 2/2024 so với cùng kỳ.
Cụ thể, SSI Research ước tính quý 2, TCM sẽ thu về 905 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 27% so với cùng kỳ) và 69 tỷ đồng lợi nhuận ròng (tăng gấp 30 lần, tương đương 3.000%, so với cùng kỳ). Kết quả này nhờ vào việc tăng trưởng sản lượng tiêu thụ phục hồi tốt từ đầu năm tới nay.
Trước đó, vào năm 2023, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần là 3.324,8 tỷ đồng, giảm 23,3% so với cùng kỳ, lãi sau thuế từ đó giảm hơn tới 52,4% với 133,8 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2016. Kết quả này được công ty giải trình là do đợt hàng sụt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Diễn biến lợi nhuận qua các năm của Dệt may Thành Công
Sang quý 1/2024, TCM bắt đầu xuất hiện tín hiệu tích cực khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng nhẹ 6,6% và 13,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến cuối quý 1/2024, quy mô tổng tài sản của TCM là 3.235 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho giảm tới 13%, xuống còn 896 tỷ đồng.
Hay mới đây, tại kết quả kinh doanh tháng 5 của công ty mẹ, TCM đạt hơn 317 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 116%, đạt 27,6 tỷ đồng. Công ty cho biết, trong tháng 5, lượng hàng xuất khẩu của công ty sang thị trường châu Á chiếm 69,3%, châu Mỹ chiếm 26,7%, châu Âu chiếm 4%.
Tổng 5 tháng đầu năm, doanh thu công ty mẹ ước tính đạt 1.554 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 114 tỷ đồng. Như vậy, dựa vào kế hoạch cả năm 2024, đến hết tháng 5, TCM đã hoàn thành lần lượt 41% doanh thu và 69% lợi nhuận.
Ban lãnh đạo TCM từng chia sẻ, công ty đã hoàn thành khoảng 85% đơn hàng quý 2/2024 và 80% đơn hàng quý 3/2024. Công ty kỳ vọng có thể hoàn thành kế hoạch cả năm 2024 đã đề ra.
Trong đó, đáng chú ý nhất là vào tháng 1/2024, Tập đoàn Eland (Hàn Quốc) đã cam kết đặt đơn hàng 10 triệu sản phẩm may với TCM, lượng đặt hàng này đã cao gấp 2 lần so với năm 2023.
Tại sàn, cổ phiếu TCM cũng có diễn biến tích cực. Kết thúc phiên cuối tuần (5/7), TCM tăng liên tiếp 6 phiên với 8,6%, đạt 53.500 đồng/cp.
Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu TCM đã tăng mạnh 44,4% giá trị.
Về kế hoạch sắp tới, TCM sẽ chuyển nhượng xưởng may Trảng Bàng để mua lại nhà máy SY Vina. Theo Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công, ông Trần Như Tùng, việc mua lại nhà máy SY Vina giúp công ty có giấy phép nhuộm, mở rộng thêm mặt hàng vải dệt bên cạnh sản phẩm truyền thống là vải thun để phục vụ các đơn hàng may có giá trị cao, đây cũng là giải pháp tối ưu hóa bài toán đầu tư của công ty trong dài hạn.
Nhà máy nhuộm có công suất hơn 19,5 triệu mét vải/năm và nhà máy may với công suất 69,6 triệu sản phẩm khăn/năm, điều này được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty thời gian tới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn