Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội được nhiều ĐBQH đồng tình khi khẳng định tầm quan trọng của hoạt động giám sát tối cao. Thời gian qua, Quốc hội đã lựa chọn nhiều vấn đề nóng, được Nhân dân quan tâm để thực hiện giám sát tối cao. Một trong những cuộc giám sát tối cao nhận được phản hồi tích cực là việc thực hiện chính sách, pháp luật trong phòng chống xâm hại trẻ em vào năm 2019.
Nhiều ĐBQH kỳ vọng công tác giám sát của Quốc hội cần tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng trong khóa tới. Bày tỏ sự vui mừng khi Quốc hội có tân Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH Y Khút Niê (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết, ông hy vọng và tin tưởng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ phát huy năng lực, trí tuệ cũng như thực tiễn công tác thời gian qua để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa những chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
"Tôi kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của tân Chủ tịch Quốc hội, kế thừa những kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền nhiệm, Quốc hội sẽ ngày càng đổi mới hơn trong các mặt công tác: hoạt động lập pháp, giám sát cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước", ĐB Y Khút Niê cho hay.
Để công tác giám sát - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội - đạt chất lượng cao hơn vào khóa tới, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) nêu rõ, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu chuyên trách tăng lên sẽ góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong xây dựng luật và giám sát hiện nay.
"Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội mới sửa đổi, trong nhiệm kỳ tới, ĐBQH chuyên trách sẽ được nâng lên 40%. Đây là một yêu cầu đặt ra đối với Quốc hội, bởi một trong những mục tiêu của Quốc hội là phải chuyên nghiệp hơn, mà muốn chuyên nghiệp thì Quốc hội - trong đó ĐBQH là hạt nhân - phải hoạt động toàn tâm, toàn ý. Thực tiễn lập pháp, giám sát đòi hỏi Quốc hội phải không ngừng nâng cao chất lượng đại biểu, nên việc tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách là một yêu cầu đặt ra", ĐBQH Bùi Văn Xuyền kỳ vọng.
Một trong những kỳ vọng nữa liên quan đến nâng cao hiệu quả giám sát, theo ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên-Huế), Quốc hội khóa tới cần tăng cường công tác tập huấn lập pháp và giám sát cho các ĐBQH chuyên trách. "Để thể hiện vai trò, trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách, các hội nghị của đại biểu chuyên trách cần được tổ chức nhiều hơn nữa, đặc biệt trong việc xem xét, thẩm tra, chất vấn những vấn đề trong xây dựng luật, vấn đề quan trọng của quốc gia", ĐB Đặng Ngọc Nghĩa đề xuất.
Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng và chất lượng các nữ ĐBQH ngày càng được nâng cao. Theo số liệu của Văn phòng Quốc hội, từ Quốc hội khóa I chỉ với 10 nữ đại biểu, đến nay, tỷ lệ nữ ĐBQH Khóa XIV là 26,72%. Đây là một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65/162 quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ ĐBQH.
Nói về đóng góp của các nữ ĐBQH nhiệm kỳ 2016 -2021, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng các nữ ĐBQH đã phát huy trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ ưu tú, là đại diện cho tiếng nói của cử tri. Họ quan tâm sâu sắc tới vấn đề giới, lồng ghép giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình xây dựng luật, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
"Các nữ ĐBQH đã có nhiều tiếng nói, đóng góp tích cực cho các vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, an sinh.... Nữ ĐBQH cũng có rất nhiều hoạt động tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả hơn trong lĩnh vực bình đẳng giới và sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ, trẻ em", ĐB Đặng Ngọc Nghĩa nhìn nhận.
Còn theo ĐBQH Lê Công Nhường (đoàn Bình Định), nữ ĐBQH không ngừng nâng cao bản lĩnh, trình độ, kỹ năng hoạt động nghị trường. Trên diễn đàn Quốc hội, trong các phiên thảo luận cũng như chất vấn, nhiều nữ đại biểu đã có những phát ngôn rất mạnh mẽ, trách nhiệm và chất lượng.
Theo ĐB Y Khút Niê, mức độ tham gia của nữ giới trong các cơ quan dân cử sẽ bảo đảm các chính sách được hoạch định, ban hành và thực thi đáp ứng tốt hơn nhu cầu phổ quát của các tầng lớp xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, các nữ ĐBQH rất kiên trì, quyết liệt theo đuổi những vấn đề được người dân quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và đã có đóng góp tích cực trong hoạt động Quốc hội, được cử tri ghi nhận.
"Tôi tin tưởng và kỳ vọng, trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ đại biểu nữ sẽ đạt trên 35%, vừa đảm bảo tỷ lệ cơ cấu, vừa đảm bảo chất lượng đại biểu", ĐB Y Khút Niê bày tỏ.
Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XII) đã xác định rõ mục tiêu đến 2030 là "phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%". Quan điểm tăng cường công tác cán bộ nữ không chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn