"Chấp nhận" để vượt qua đại dịch
Tuy nhiên, không chỉ du lịch nội địa "lên ngôi". Tâm lý cực đoan trong việc sợ dịch bệnh, chống dịch bệnh đã dần được thay thế bằng sự cởi mở và uyển chuyển hơn. Chính vì vậy mà có thể nhìn thấy tín hiệu khởi sắc của năm mới trên nhiều lĩnh vực, mà rõ nhất là trong việc đi lại, giao thương của người dân.
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2022, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tập trung thời gian để xúc tiến đàm phán với các đối tác nước ngoài đưa du khách vào Việt Nam . Hiện nay, khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vẫn phải cách ly y tế, nói chính xác hơn là tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú nên nhiều người chưa muốn đi chơi, sợ mất thêm thời gian. Tuy nhiên, việc này sẽ thay đổi khi Việt Nam đang có lộ trình mở cửa du lịch hoàn toàn vào cuối tháng 3/2022.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuối tháng 1/2022 đã có công văn đề xuất Thủ tướng mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, bao gồm đón khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và đưa khách đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế từ ngày 31/3 tới đây. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào ngày mùng 3 Tết vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, cố gắng từ cuối tháng 3, chậm nhất vào dịp 30/4 và 1/5.
Việc đưa người Việt còn kẹt lại ở nước ngoài bằng các chuyến bay thương mại đang được gấp rút thực hiện. Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương cấp phép cho hãng hàng không nước ngoài chở người Việt về nước. Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện việc này. Không còn các văn bản xét duyệt nhân sự như trước, các hãng hàng không sẽ được cấp phép để chở người Việt về nước trên các chuyến bay thương mại thường lệ. Điều này cũng có nghĩa rằng, các công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về nước sẽ được bay về với các trình tự thủ tục liên quan bình thường.
Hiện những doanh nghiệp lữ hành trong nước đang nỗ lực kết nối với các đối tác nước ngoài. Đối tác tại thị trường lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan được các doanh nghiệp chú trọng và sẽ có đoàn khách Thái Lan đầu tiên vào Việt Nam du lịch vào tháng 3 tới. Các doanh nghiệp lữ hành suốt 2 năm qua chật vật và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi không thể vận hành được hoạt động trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Nhiều công ty đã không thể trụ lại được phải giải thể. Các tour đi theo luồng xanh an toàn đã được tính tới nhưng không có khách tham gia. Việc thuê nguyên chuyến bay chapter để phục vụ cho tour cũng không thể thực hiện do khách không muốn cách ly y tế 3 ngày. Do vậy, các doanh nghiệp lữ hành đang đặt kỳ vọng vào thời điểm cuối tháng 3 với sự chuẩn bị chu đáo hơn.
Vận hành cuộc sống bình thường
Mấy ngày Tết vừa qua, các điểm du lịch nội địa đều đông nghẹt khách. Quốc lộ 51 thường xuyên xảy ra cảnh ùn ứ tới mức các trạm thu phí BOT phải xả trạm ngày 2 lần. Du khách đổ về Vũng Tàu tắm biển, du lịch khiến thành phố này quá tải cả về địa điểm lưu trú lẫn địa điểm ăn uống. Dọc đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, quán xá không còn chỗ để nhận thêm thực khách. Cũng trên con đường này, việc kẹt xe đã kéo dài do quá nhiều xe hơi di chuyển tới ăn uống và đi từ Bãi Sau ra Bãi Trước.
Đà Lạt, Sapa cũng "cháy" phòng khách sạn, không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân du xuân trong mấy ngày Tết vừa qua. Nhiều người đã chủ động mang lều bạt đi cắm trại ở nhiều vị trí ở Đà Lạt dẫn tới khó khăn về quản lý cho chính quyền địa phương.
Đầu năm nay, thị trường hàng không nội địa cũng chứng kiến việc đón nhận lượng hành khách khổng lồ di chuyển Bắc - Nam . Chưa khi nào, giá vé máy bay lại có giá trung bình khoảng hơn 8 triệu đồng/lượt hạng phổ thông từ Bắc vào Nam trong những ngày đầu năm mới. Các sân bay đều đông nghẹt khách di chuyển. Taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng không đủ để đáp ứng cho số lượng hành khách tăng đột biến này, dẫn tới tình trạng nhiều người khó bắt được xe sau khi đáp xuống sân bay.
Du lịch nội địa khởi sắc ngay từ những ngày đầu năm, báo hiệu sự vận hành cuộc sống bình thường do người dân đã được tiêm phòng khá đầy đủ. 2 thành phố lớn nhất cả nước là TPHCM và Hà Nội đều đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bằng việc tiêm mũi 3 xuyên Tết. Tính tới ngày mùng 6 Tết, đã có 76,9% dân số Việt Nam đã được tiêm ngừa vaccine Covid-19. Con số này đang tiếp tục được tăng lên. Hiện Việt Nam vừa nhập vaccine của hãng Pfizer dành cho lứa tuổi từ 5-11.
Theo yêu cầu của Chính phủ, hiện tại các trường đại học, cao đẳng đã có kế hoạch đưa sinh viên quay trở lại trường trong tháng 2/2022. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2 đến ngày 14/2.
Một cuộc sống chỉ thực sự bình thường khi người dân đi lại, giao thương và con trẻ tới trường học. Do vậy, các tín hiệu vận hành xã hội bắt đầu quay trở lại nhịp sống trước đây đã cho niềm hy vọng vào sự khởi sắc của năm 2022. Cả xã hội đều mong chờ sức bật phá này của năm con Hổ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn