Lạ lùng vùng đất đâm nhau đến chảy máu để tưới cho tốt đất

12:00 | 09/04/2020;
Người Sumba tin rằng, máu của chiến binh rơi trong lễ hội là những giọt máu thiêng, tạo nên sự phồn sinh của đất mẹ.

Sumba là một hòn đảo nhỏ của Indonesia với dân số khoảng 650.000 người. Sumba được biết đến với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước lâu đời với nhiều nét đặc sắc. Không giống các hòn đảo khác ở Indonesia, ngựa đóng vai trò rất quan trọng trong văn hóa của người Sumba. Sự giàu có và vị trí xã hội của mỗi gia đình thể hiện qua số gia súc nhất là bầy ngựa họ sở hữu.

Ảnh: Nguồn Explo

Nói đến Sumba, người ta sẽ nhắc đến lễ hội Pasola đầy ấn tượng. Đó là một trò chơi chiến đấu mang tính cộng đồng được tổ chức mỗi năm một lần nhằm chào mừng mùa gặt mới.

Ảnh: Nguồn Clubelsewhere

Thời gian và hình thức lễ hội cụ thể đều do thầy cúng (rato) quyết định. Thông thường Posala được tổ chức vào giữa tháng 2 và tháng 3 hàng năm, ứng với tháng chay wula podu trong phong tục địa phương. Lúc này, loài sâu biển nyale sinh trưởng đông đúc quanh đảo, được người dân tin là dấu hiệu của mùa màng bội thu.

Ảnh: Nguồn Thomascristofoletti

Pasola xuất phát từ sola hoặc hola có nghĩa là chiếc lao gỗ. Theo niềm tin người Sumba, việc các chiến binh trong lễ hội phóng lao vào nhau thể hiện sự tôn kính đối với Đấng Marapu – tổ tiên người Sumba cư trú trên thượng giới.

Ảnh: Nguồn Clubelsewhere

Trong quan niệm của người dân Sumba, lễ hội Pasola rất quan trọng. Đó là dịp họ cùng nhau tạo nên sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần, là dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sống của nhau, đồng thời thể hiện của tín ngưỡng phồn thực cổ xưa đã có ở Sumba từ nhiều thế kỷ trước.

Ảnh: Nguồn Drifttravel

Pasola là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất của người Sumba được tổ chức hàng năm. Đây là cuộc chiến đẫm máu giữa 2 bộ tộc láng giềng. Những người đàn ông tham gia trận chiến cưỡi trên lưng ngựa, ném những ngọn giáo về phía đối thủ để máu chảy xuống đất.

Ảnh: Nguồn Authentic-indonesia

Nổi tiếng với nền nông nghiệp lúa nước lâu đời, phần lớn diện tích đảo Sumba được bao phủ bởi những cánh đồng lúa. Máu đỏ tưới xuống đất sẽ làm cho mùa màng bội thu, người dân đảo Sumba bao đời nay vẫn giữ niềm tin như thế.

Ảnh: Nguồn Drifttravel

Những con ngựa khỏe nhất được dân làng lựa chọn tới lễ hội để tham dự trận đấu. 50 người đàn ông thiện chiến nhất, dũng cảm nhất đại diện cho mỗi đội, tay lăm lăm cây giáo, oai phong trên lưng ngựa, khí thế ngút trời, mang trong lòng niềm tin chiến thắng cho dân làng và ước mong một mùa màng tươi tốt.

Ảnh: Nguồn Thediplomat

Vào đêm trước lễ hội Pasola, người Sumba tụ tập để tham gia pejura, trận đấu võ diễn ra bên bờ biển, dưới ánh trăng và tuyệt đối không được phép dùng đèn đuốc.

Ảnh: Nguồn Valiquet

Pejura được coi là cách giải quyết xung đột cũ giữa các bộ lạc đối lập. Nguyên tắc của trận đấu này là đánh bằng tay không, nhưng nhiều người tham gia gian lận bằng cách giấu đá, sừng trâu, mảnh kính trong nắm đấm. Do đó, trong trận chiến Pejura không ít người tham gia, thậm chí cả khán giả cũng bị thương nặng.

Ảnh: Nguồn Valiquet

Sáng sớm ngày hội, pháp sư và đoàn tùy tùng sẽ ra bờ biển khấn cầu thần thánh theo nghi thức Marapu, theo sau là đông đảo dân làng. Tại đây, họ hiến tế một con gà ác, rồi dùng tim gà để đoán đọc “thông điệp” của thánh liệu lễ hội Pasola có được phép tiến hành hay không. Nếu mọi việc suôn sẻ, dân làng sẽ thi nhau ào xuống biển bắt sâu biển mang về khai hội. Thông thường, số lượng và màu sắc của sâu biển sẽ dự báo chất lượng của vụ mùa.

Ảnh: Nguồn Thomascristofoletti

Lễ hội Pasola diễn ra trong vài ngày tại nhiều thị trấn trên đảo Sumba. Chỉ những người đàn ông từ 14 đến 40 tuổi mới được tham gia vào trận chiến giả này. Trong trận chiến giữa hai phe, các chiến binh cưỡi trên lưng ngựa, dùng những cây giáo ra sức ném giáo vào ngực, đầu, mắt đối phương cho đến khi đổ máu. Những người khác quây thành vòng tròn và chia thành hai nhóm để cổ vũ cho hai phe.

Ản: Nguồn Thomascristofoletti

Lễ hội Pasola trước kia từng sử dụng giáo mũi sắt hoặc dao, khiến nhiều người chết và bị thương trong các trận chiến. Hiện nay, người ta dùng giáo cùn hoặc giáo gỗ để tham chiến nhưng mức độ nguy hiểm vẫn còn cao. Vẫn có người thiệt mạng và nhiều người bị thương do giáo đâm trúng mắt hay các vị trí nguy hiểm trên cơ thể.

Ảnh: Nguồn Thomascristofoletti

Theo luật chơi, các chiến binh trong lễ hội Pasola không được phóng lao vào những người đã ngã ngựa, người đi dưới bãi cỏ, và đặc biệt nếu bị phóng trúng vào người thì không được nuôi chí trả thù. Lễ hội thường kéo dài hàng giờ và chỉ kết thúc khi có một ai đó đã đổ máu. Bên nào có số người bị lao phóng trúng vào người nhiều hơn sẽ thua cuộc. Người Sumba tin rằng, máu của chiến binh rơi trong lễ hội là những giọt máu thiêng, tạo nên sự phồn sinh của đất mẹ và nếu không có máu tưới cho đất thì vụ mùa sẽ thất bại.

Ảnh: Nguồn Thomascristofoletti

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn