Mầm cây vươn lên từ khô cằn
Hà Bích Hảo sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại vùng quê xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Khi 6 tháng tuổi, trên khuôn mặt Bích Hảo bỗng xuất hiện một vết bớt màu đỏ của căn bệnh u máu ngoài da. Thật không may, trong quá trình làm thủ thuật điều trị tại bệnh viện, một tai nạn y học đã vĩnh viễn lấy đi khuôn mặt đáng yêu của cô bé. Bỏng laser đã kéo lệch một bên mặt, cổ, tai, mắt và mũi của cô. Không thể bú sữa mẹ, cô được nuôi sống và lớn lên nhờ những thìa nước cơm của bà nội, những viên thuốc kháng sinh chất đầy tới lớp 4, những mũi tiêm vẫn còn những vết lõm cho tới giờ.
Lần đầu soi gương, thấy mặt mình không giống như chị gái hay em trai, Bích Hảo hồn nhiên hỏi mẹ: "Đến một lúc nào đó, da của con sẽ trở lại bình thường, giống như chị gái phải không?". Cho đến khi bắt đầu đi học và đón nhận ánh nhìn kỳ thị của những người xung quanh, cô mới hiểu rằng mình khác biệt.
Trước học kỳ 2 của lớp 2, cô chỉ được coi là học sinh dự thính vì khi đó xã chưa có chính sách học hòa nhập dành cho trẻ khuyết tật. Nhờ cô hiệu phó, Bích Hảo có tên trong danh sách học sinh chính thức của lớp. Nhưng trường học lúc ấy là một nỗi sợ hãi "khủng khiếp" với cô. Mọi người đều bất ngờ và hoảng sợ khi gặp cô. Đó là những khủng hoảng đầu đời mà cô không đủ mạnh mẽ để tự đứng lên chống chọi. May mắn, bên cạnh cô luôn có bố mẹ, người thân, đặc biệt là cô hiệu phó luôn đồng hành, an ủi và giúp đỡ mỗi khi Bích Hảo bị các bạn khác trêu chọc.
Những năm học cấp hai, ý thức được sự khác biệt của mình sẽ không bao giờ thay đổi, Bích Hảo bắt đầu tự phản kháng mỗi khi bị bắt nạt. Những ngày đầu tiên của năm học lớp 10, không một ai muốn ngồi cùng bàn với cô. Bạn học gán cho cô những biệt danh đầy sợ hãi đã khiến Bích Hảo chán ghét trường học và tự ý bỏ học một tuần. Nhưng khi nhìn những giọt nước mắt của mẹ và nỗi buồn trong đôi mắt của cha, cô tự hứa sẽ cố gắng để sống tốt hơn và trở thành người con có hiếu.
Trong những năm học cấp ba, Bích Hảo luôn đứng trong top 5 của lớp. Trong 2 năm liên tiếp, cô là học sinh duy nhất trong lớp nằm trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi môn Sử của tỉnh. Cô cảm thấy nhờ có học hành mà mọi thứ bắt đầu hé mở và cuộc đời đã có thể bước sang một trang mới.
Sự nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi Bích Hảo nhận được giấy thông báo trúng tuyển Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm rất cao. Sau một thời gian học tập tại khoa Văn, nhận thấy bản thân không hợp với chuyên ngành đang theo học, cô tìm hiểu khoa Giáo dục đặc biệt và quyết định thi lại. Kết thúc năm nhất đại học, Bích Hảo được nhận làm tình nguyện viên cho một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ. Nhưng sau 2 tháng, người quản lý thông báo với cô trước tất cả giáo viên khác: "Từ mai, em không cần phải đến đây nữa. Vì nếu em đến sẽ "lây" cho các con".
Cô gái trẻ thực sự rất sốc và "không hiểu tại sao một tai nạn y học có thể trở thành bệnh lây truyền cho những đứa trẻ?". Suốt quãng thời gian sau, cô không tham gia bất cứ chương trình tình nguyện, xã hội nào nữa vì ám ảnh suy nghĩ rằng xã hội không chấp nhận mình. Cho đến khi cô may mắn được gặp gỡ Nick Vujicic khi anh sang Việt Nam. Cô được truyền cảm hứng để nỗ lực thành một diễn giả, một người đứng ở nơi cao nhất, tỏa sáng nhất, để truyền cảm hứng sống đến tất cả mọi người đặc biệt là với đối tượng thanh thiếu niên yếu thế như bản thân.
Trở thành "người truyền cảm hứng"
Vượt qua mọi rào cản, cô gái Bích Hảo đã tốt nghiệp đại học và trở thành giáo viên can thiệp cá nhân cho trẻ tự kỷ. Cô chia sẻ: "Mới đầu khi đi dạy tôi không nhận được sự đồng cảm của các phụ huynh có con tự kỷ vì họ thấy tôi khác biệt và có ngoại hình xấu. Sau này khi họ nhìn nhận thấy năng lực và sự nhiệt huyết của tôi họ bắt đầu có thiện cảm hơn và đồng ý để tôi dạy con họ".
Cách đây 2 năm, Bích Hảo thành lập quỹ "Mầm và những người bạn" với mong muốn hỗ trợ những "hạt giống" không có cơ hội được tới trường sẽ có cơ hội được đi học và viết tiếp những ước mơ. Đến nay, Quỹ đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông, ung thư, hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh. Quỹ cũng đang hỗ trợ 5 bạn nhỏ, với sự bảo trợ dài lâu để các bạn được đến trường, tìm kiếm con chữ.
"Tôi tự hào vì có thể làm những điều mình muốn và cống hiến cho xã hội, làm được các chương trình thiện nguyện nhằm hỗ trợ cho những mảnh đời bất hạnh và kém may mắn hơn mình. Tôi ước mơ trở thành nhà hoạt động xã hội giỏi, với dự án mở doanh nghiệp xã hội để huớng nghiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ", Bích Hảo cho biết.
Hiện nay, Bích Hảo đang là leader của tổ chức Helping Vietnam Children - một tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận mổ miễn phí cho các cháu bé có dị tật bẩm sinh hay di chứng tai nạn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc hàng năm từ tháng 5 đến tháng 8 và bảo trợ giáo dục cho các cháu học sinh có nguy cơ phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cô luôn hi vọng sẽ phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh để tổ chức có thể mổ cho nhiều cháu bé và sẽ có nhiều em nhỏ có cơ hội đuợc đi học hơn.
Cô cũng đang theo học cao học chuyên ngành tâm lý để dần chạm tới ước mơ trở thành một người truyền cảm hứng và người sáng lập một doanh nghiệp xã hội cho trẻ tự kỷ về giáo dục hướng nghiệp.
Gửi thông điệp tới cộng đồng, Bích Hảo nói: "Tôi muốn gửi gắm tới mọi người thông điệp hãy mạnh mẽ đấu tranh, nói lên tiếng nói của mình, mạnh mẽ bước qua nỗi đau cuộc đời. Không ai trong chúng ta có quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng có quyền chọn cách sống. Đừng bi quan, đừng dừng lại những ước mơ, những gì chưa phải cuối cùng thì chưa phải là những điều tuyệt vời nhất. Chỉ có giáo dục và học vấn mới là bước đệm đà vững chắc có thể giúp bạn vượt lên tất cả, nói lên tiếng nói của mình và nhận được sự lắng nghe đồng cảm của mọi người từ đó tự tin mà bước ra khỏi vỏ ốc của sự sợ hãi, lan toả những điều tốt đẹp tới cộng đồng.
"Nhiều năm về trước, nếu cô Hiệu Phó trường tiểu học không trao cho cô gái xấu xí kia cơ hội được đi học và không gieo xuống đất một mầm sống, thì ngày hôm nay không có một cái cây đẹp đẽ mọc lên. Đó chính là lý do tôi tự gọi bản thân là Mầm, dù là một mầm cây không hoàn thiện, nhưng luôn biết cố gắng để sống đẹp. Với tôi Mầm là: Mầm sống, Mầm yêu thương, Mầm hy vọng, Mầm nhiệt huyết và Mầm hạnh phúc" - Bích Hảo chia sẻ.
Bích Hảo là một trong 55 tác giả hưởng ứng chiến dịch #KeepingGirlsinthePicture - “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” trong khuôn khổ dự án “Chúng tôi CÓ THỂ - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn”, thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Dự án do UNESCO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Ủy ban Dân tộc triển khai, với sự hỗ trợ của tập đoàn CJ của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng và Ninh Thuận.
Chiến dịch khuyến khích những câu chuyện đời thực từ cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục đối với cuộc sống của chúng ta, nhất là với trẻ em gái. UNESCO sẽ là cầu nối mang những câu chuyện đó đến những trẻ em gái và trẻ em trai dân tộc thiểu số, những bậc phụ huynh và cộng đồng trong địa bàn dự án.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn