Lá sen không phải là ‘cứu tinh’ cho người béo

12:00 | 28/04/2016;
Từ ngày sử dụng lá sen để giảm béo, chị Lê Thị Hoa (Đống Đa, Hà Nội), không giảm được cân mà còn thường xuyên bị mất ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi. Đến khi đi khám bệnh, chị mới biết mình đã sử dụng trà lá sen không hợp lý.
Từ sau khi sinh bé thứ hai, chị Hoa luôn trong tình trạng ‘quá khổ’, bạn bè thường hay trêu chị là ‘tròn như cái lu’. Đặc biệt cũng vì cái bụng ngấn mỡ, nhiều lần chị muốn diện đồ diệu đà một chút cũng khó. Ý thức về chuyện phải giảm cân, chị cũng đã thử nhiều phương pháp giảm béo nhưng không đem lại hiệu quả. Dù hằng ngày chị có cố gắng ăn điều độ và đi bộ 30 phút mỗi tối thì ‘chế độ’ này cũng chỉ giúp chị không tăng cân, chứ không thể giảm.
Gần đây, thấy cô bạn trong phòng, quảng cáo có bà chị uống trà lá sen giảm được mấy kí, chị Hoa liền nhờ bạn mua giúp 2kg lá sen khô về hãm nước uống dần. Hằng ngày, chị hãm nước lá sen như hãm trà rồi cho vào bình nước cá nhân mang đến cơ quan, uống thay nước lọc.
Đáng nói, vì tin tưởng trà sen giảm được mỡ, nên chị Hoa ‘yên tâm’ ăn uống hơn, việc đi tập cũng theo tùy hứng, chứ không phải ép mình như trước. Bởi vậy, sau hai tuần uống nước lá sen, chị bước lên bàn cân, những con số cân nặng quen thuộc vẫn đứng y nguyên, không hề giảm xuống. Nghĩ rằng, có lẽ uống trà lá sen chưa đủ liều, chị Hoa tăng lượng trà cho đặc hơn hy vọng trà sẽ phát huy tác dụng. Sau khi uống trà lá sen đặc, chị Hoa thường xuyên rơi vào tình trạng mất ngủ, sáng nào chị đi làm cũng trong tình trạng phờ phạc. Nhìn khuôn mặt chị, nhiều người nói chị giảm cân, tuy nhiên khi về nhà cân lại, số cân vẫn y nguyên.
la-sen.jpg
Dùng lá sen đúng cách mới có tác dụng
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, ông đã khám cho nhiều người rơi vào tình trạng như của chị Hoa. Không chỉ có phụ nữ muốn giảm mỡ bụng mà cả nam giới được chẩn đoán gan nhiễm mỡ, nghe nói lá sen uống tốt, liền uống thật nhiều, tuy nhiên, hiệu quả chưa thấy họ đã phải chịu những tác dụng phụ do dùng sai liều lượng.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, lá sen (còn gọi là hà diệp), có vị đắng chát, tính bình, xưa là vị thuốc thông dụng trong dân gian dùng chữa các chứng bệnh do thử thấp (nóng ẩm) gây nên như cảm nắng, say nắng, đau bụng, tiêu chảy… Từ lâu, y học cổ truyền cũng đã dùng lá sen làm thuốc chữa bệnh dựa trên các công dụng của lá sen như: An thần, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ, ức chế loạn nhịp tim…
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài các tác dụng trên, lá sen còn hỗ trợ chữa xơ vữa động mạch, giảm béo. Sở dĩ như vậy vì trong lá sen có những flavoit như nuceferin, có tác dụng hạ mỡ máu, hạ huyết áp, gan nhiễm mỡ, men gan cao…
Tuy nhiên, muốn sử dụng lá sen có hiệu quả thì phải dùng đúng cách. Theo đó, loại lá sen để dùng phải là lá “bánh tẻ”, không quá già hoặc quá non. Loại lá sen này cần được thu hoạch buổi sáng sớm khi mặt trời chưa mọc, sau đó rửa sạch, để trong bóng râm cho lá khô dần chứ không được phơi ngoài nắng. Nếu đem lá sen phơi nắng nóng sẽ khiến những hoạt chất quý trong lá sen bị mất, khiến lá sen không có tác dụng như mong muốn.
Khi lá sen khô, cần tước bỏ gân lá rồi đem thái nhỏ hoặc tán thành bột dùng dần. Trung bình mỗi ngày một người có thể dùng 10-20g dạng bột tán, chia làm 2-3 lần/ngày (mỗi lần 5-10g). Nếu sử dụng lá sen tươi, thì có thể tăng trọng lượng lên một chút nhưng không dùng quá nhiều sẽ gây rối loạn giấc ngủ.
Mặt khác, do lá sen có tác dụng bình ổn huyết áp, hạ áp rất tốt nên cần uống sau khi ăn no. Tốt nhất, nên sử dụng trà lá sen theo từng đợt trong vòng 1-2 tháng.
Thực tế, nếu uống trà lá sen hợp lý và đều đặn, kết hợp có chế độ ăn uống, vận động, người dùng có thể giảm 1-2kg/tháng. Tuy nhiên, công dụng chính của lá sen là điều hòa lipid máu theo xu hướng làm giảm lipid tự do và mỡ máu. Do đó, sử dụng lá sen chỉ mang tính hỗ trợ giảm béo chứ không thể coi đây là ‘cứu tinh' trong giảm béo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn