Vẻ đẹp bền bỉ, hoang tàn
Từ Sài Gòn, chúng tôi đặt chuyến bay ra Đà Nẵng rồi sang Lào. Sau những ngày vác ba lô đi bụi lòng vòng, từ Savanakhet quẹo sang Đông Bắc Thái Lan, chúng tôi đã đi 1 chuyến xe bus “khói lửa” từ Udon Thani, Thái Lan, trở về Vientiane, Lào, qua cửa khẩu Noong Khai. Sở dĩ gọi là chuyến xe "khói lửa” bởi thời tiết nắng nóng điên người, có nơi lên tới trên 430C, cây cối và cảnh vật đều như cháy khô. Từ Noong Khai chạy về thủ đô Vientiane chỉ 22km nên chúng tôi quyết định bắt xe bus tới thẳng công viên Phật trước khi ánh nắng chiều chiếu xiên khoai trên đường.
Một góc công viên tượng Phật |
Không có ai bán vé ngoài cửa, cũng chẳng có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy đây là một khu du lịch cần được bảo vệ, ngoài gian nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng đóng cửa im ỉm có dòng chữ Souvenir. Không gian trong công viên Phật tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Có vài du khách nước ngoài chầm chậm ngắm các bức tượng Phật và chụp hình. Tiếng máy ảnh lạch xạch rất nhẹ nhưng vẫn đủ để khuấy động cảnh trí nơi đây.
Bước vào sâu trong công viên, trước mắt chúng tôi là vô số các tượng Phật lớn nhỏ được xếp sắp với ý đồ riêng của người sáng tạo. Tất cả đều được đúc bằng xi măng thô, trải qua nhiều biến động thời gian nên xi măng lên nước, chỗ bóng chỗ rêu, tạo nên vẻ đẹp vừa bền bỉ, vừa hoang tàn.
Động Âm phủ hình trái bí ngô |
Bên phải công viên có một công trình lớn, được gọi là Động Âm phủ. Động mang hình dáng quả bí ngô rất bự. Chúng tôi bước vào động qua cửa miệng của con ác quỷ cao gần 3 mét. Động âm phủ có 3 lầu, chỉ riêng tầng trệt được đục một lối vào rất nhỏ, còn 2 lầu phía trên hoàn toàn không có đường vô.
Người ta muốn tu bổ hay chụp hình, phải chui qua những lỗ thông gió đục sẵn xung quanh. Bên trong từng tầng lầu, các quần thể vừa người, vừa rắn bên nhau, tạo nên một cảm giác… ớn lạnh.
Người ta muốn tu bổ hay chụp hình, phải chui qua những lỗ thông gió đục sẵn xung quanh. Bên trong từng tầng lầu, các quần thể vừa người, vừa rắn bên nhau, tạo nên một cảm giác… ớn lạnh.
Cô bạn đi cùng tôi đã mê mải ra ngoài chụp hình, chỉ có mình tôi hít một hơi thật sâu để bước vô bên trong nhìn kỹ hơn các tượng tại tầng trệt trong Động Âm phủ. Bên ngoài nắng muốn bể cả đầu, nhưng tại đây mát rượi, và lặng phắc. Các bức tượng người cùng rắn rết quấn quíu vào nhau, do biến động thời gian và cũng không được chú tâm tu bổ, vì vậy, cảnh đổ nát điêu linh ngập tràn. Tôi đứng lặng trong không gian đó, và chỉ dũng cảm thưởng thức được 10 phút thôi thì bị nỗi sợ mơ hồ kéo tới mỗi lúc mỗi dồn dập. Hốt hoảng, tôi vùng chạy ra ngoài.
Quên hẳn những muộn phiền
Công viên tượng Phật cách thủ đô Vientiane 25km. Đường sá đang làm dở dang nên rất khó đi. Bụi mịt mù tứ tung, các ổ gà ổ voi xếp lớp. Nhưng đảm bảo rằng, những muộn phiền của bạn sẽ được xếp lại ở đâu đó, khi đã lọt vô trong khuôn viên công viên đặc biệt này.
Tác giả bên bức tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn |
Theo tài liệu được công bố, công viên tượng Phật Xieng Khuan đã được tu sĩ Luang Pu Bunleua Sulilat (1932-1996) quyên góp và xây dựng hoàn thành vào năm 1958. Trên 200 bức tượng Phật cũng như các vị thần Hindu giáo được hiện diện như từng câu chuyện cổ. Bên cạnh các tượng Phật, tượng thần còn có một số tượng linh vật, ác quỷ và cả các nhạc công, vũ nữ đại diện cho con người.
Chúng tôi càng đi sâu vô trong công viên, cảm giác ngỡ ngàng và ngạc nhiên tột độ càng xâm chiếm. Ở giữa trung tâm công viên là bức tượng Phật nằm khổng lồ vô cùng nổi bật và ấn tượng. Bức tượng này dài tới 40 mét. Tư thế nằm toát ra phong thái thảnh thơi của Phật Tổ nhập Niết Bàn. Nhìn gương mặt và thần thái của bức tượng Phật này, với đôi môi mỉm cười, mắt khép ung dung, chúng tôi tưởng như không còn đang ở trên trần thế, chân chạm đất thực sự nữa. Một thế giới khác, không chen đua, không ganh ghét, không hận thù bỗng sáng rỡ nơi đây, khiến du khách vô cùng thanh thản.
Những bức tượng nhuốm màu thời gian |
Kế bên tượng Phật nằm bình yên là hình ảnh thần Vishnu khuấy biển sữa cứu khổ nhân loại. Thần Vishnu đang tọa trên mình rắn nhiều đầu. Các bức tượng này đã cho thấy sự giao thoa các nền văn hóa tại Lào cũng như sức ảnh hưởng sâu sắc của văn minh Ấn Độ từ xa xưa.
Đi hết qua các bức tượng Phật, cuối cùng là dòng sông Mê Kong hiền hòa, đối diện với Động Âm phủ. Từ trên lầu 2 của Động nhìn xuống, thấy dòng nước chói lóa trong nắng chiều, tạm gọi như là Thiên đường hạ giới.
Sau những phút giây mê mải ngắm nhìn và chụp hình, chúng tôi lên xe bus quay về lại trung tâm Vientiane. Rất nhiều ngôi chùa tại Lào lướt qua trước mắt. Hẳn rằng, giữa bao tất bật của cuộc sống đời thường vất vả lam lũ, người dân Lào hiền lành, sống chậm chỉ cần dựa vào đức tin tôn giáo để làm dịu đi sự gào thét của những tham vọng và sân si của kiếp người.