Lạc vào mê cung ngôn ngữ trong 'Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế'

20:06 | 06/06/2018;
Ra đời dựa trên bối cảnh “cũ” (chiến tranh thế giới thứ 2), song cuốn tiểu thuyết này vẫn nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn chương đặc sắc. Ngôn ngữ độc đáo trong tiểu thuyết "Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế" cùng những cao trào xếp lớp, sẽ khiến người đọc cảm thấy mỗi phút lật giở trang sách đều đáng giá.

Lấy bối cảnh chiến tranh thế giới thứ 2, song lại chọn cách kể chuyện thông qua hình thức quá đỗi cá nhân là thư từ, nhật ký, dường như cây bút nữ Katja Kettu muốn tạo ra sự tương phản ngay ở “khởi thủy”. Trên tấm bản đồ thế chiến mênh mông, vùng đất Láp chỉ là một chấm bé xíu, cũng như trong sa mạc lịch sử khắc nghiệt đó, mỗi con người chỉ như hạt cát.

Qua những dòng ghi chép riêng tư, hoặc dành cho nhiều nhất một người đọc, ta có thể nhận thấy hai gương mặt rõ nét nhất: Nhân vật nữ, bà đỡ với biệt danh Mắt Dại và nhân vật nam, nhiếp ảnh gia chiến tranh phục vụ lực lượng SS: Johannes Angelhurst.

Họ yêu và yêu và yêu! Nhưng tình yêu đó chưa bao giờ bằng lặng, thậm chí vốn đã ẩn chứa sự đối nghịch: Người này mang sự sống đến, còn người kia đào “bể bơi” cho Thần Chết. Song, cũng nhờ thế, việc điểm xuyết khoảng lặng mà hai người trải qua bên nhau lại mang sức nặng hơn cả. Đọc những dòng này: “Những mảnh sao băng rơi lả tả phía trên chúng tôi. Mỗi khi có một mảnh bay qua đường chân trời, tôi lại giật mình. Chúng tôi đếm và lại đếm sao, chỉ để lại và lại nhận ra rằng chúng có hàng triệu triệu và chúng ta không bao giờ có một kết quả giống nhau. Lại một vòng cung nữa bay trong không trung, và tôi cảm nhận được người đàn bà của tôi thoắt run lên” ta không thấy sự tàn nghiệt trong chiến tranh, mà thấy có thứ gì man mác lay động tâm can, thậm chí thiên về chủ nghĩa lãng mạn.

ba-do1.jpg
Tiểu thuyết "Bà đỡ - Tĩnh yêu ngày tận thế" là hiện tượng văn học đặc sắc trên thế giới và Việt Nam

Ta cũng không thể quên nét độc đáo khác trong sáng tác của Katja Kettu: Ngôn ngữ. Đặc biệt, với Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế, tác giả chẳng những đã dùng thổ ngữ vùng cực bắc và cực Tây Bắc Phần Lan (thổ ngữ đất Láp) mà còn trùng điệp phương ngữ của nhóm dân Koltta, các thổ ngữ Phần Lan được dùng tại Bắc Thụy Điển và Bắc Na Uy, tiếng Đức, tiếng Nga như là cách biểu hiện không khí hỗn tạp, dữ dội trong thế chiến, cũng như cảnh quan hoang sơ, khắc nghiệt. Katja Kettu không ngại nhào trộn ngôn ngữ của nhiều nhóm dân bản địa, nhiều tôn giáo và tín ngưỡng... để kiến tạo một thế giới “đa sắc, đa chiều”; để lột tả tính cách nhân vật, nhất là Mắt Dại - người đàn bà thất học sống theo bản năng mãnh liệt, thậm chí hoang dại như con thú cái.

Ngôn ngữ là yếu tố gai góc, khó nhằn bậc nhất trong cuốn tiểu thuyết này, một thách thức với bất cứ người chuyển ngữ nào. Sau nhiều cân nhắc, dịch giả Bùi Việt Hoa (NXB Phụ nữ) người đưa tác phẩm đến với bạn đọc Việt Nam, đã can đảm dùng trường từ vựng thô tục, kì quặc, đôi khi lố bịch, hầu bảo đảm tính nguyên vẹn cho tinh thần tác phẩm, bạn sẽ được tận hưởng mê cung ngôn từ độc đáo trong "Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế" .

Tính tới thời điểm này, Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế là cuốn tiểu thuyết hội tụ những nét đặc sắc nhất trong phong cách văn chương của nữ tác giả đã gây tiếng vang trên văn đàn thế giới.

Tác giả Katja Kettu là một cây bút đang lên của Phần Lan. Kettu không chỉ là tiểu thuyết gia mà còn là nhà báo, đạo diễn phim hoạt hình. Tác phẩm của cô thấm đượm thuyết thần bí tự nhiên theo truyền thống Phần Lan, và dồi dào thổ ngữ ở phía bắc quốc gia này. Kettu còn gây chú ý nhờ những cốt truyện đầy sửng sốt cũng như ngôn ngữ rất độc đáo, hoặc giàu chất thơ.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn