Lai Châu: Hiệu quả triển khai Nghị quyết bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa

08:09 | 04/12/2023;
Sau khi Tỉnh ủy Lai Châu ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, các cấp các ngành trong toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện bằng những hành động cụ thể, đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ở Lai Châu được lãnh đạo tỉnh xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngày 17/02/2021, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân rất rõ rệt, thông qua những chương trình kế hoạch cụ thể, những hành động cụ thể.

Sau khi quán triệt chủ trương thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/8/2021 UBND huyện Phong Thổ đã ban hành kế hoạch số 1948/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc, tính đến nay, huyện đã mở được trên 290 hội nghị tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Lai Châu, với hàng nghìn lượt người tham gia.

Nhờ những công tác tuyên truyền đến cộng đồng, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, với phương châm gìn giữ và xây dựng các giá trị văn hóa đó thành sản phẩm góp phần phát triển du lịch cộng đồng.

Lai Châu: Hiệu quả triển khai Nghị quyết bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa- Ảnh 1.

Phụ nữ người dân tộc Lự ở Lai Châu tích cực gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Sau hơn 2 năm thực hiện, huyện Phong Thổ đã duy trì và bảo tồn nhiều lễ hội truyền thống thống như Kin lẩu khẩu mẩu, Then Kin Pang; Gầu Tào, Lộc Xuân; xây dựng được 171 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên và hiệu quả… Cùng với đó, Phong Thổ có tiềm năng về phát triển du lịch như: suối nước nóng Vàng Pó (thị trấn Phong Thổ); có những khu di tích gắn liền với lịch sử như: Đền thờ Nàng Han, Hang kháng chiến Nà Củng, Di tích cấp Quốc gia Di chỉ khảo cổ Nậm Tun (xã Mường So).

Các nhóm dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư bảo tồn văn hóa truyền thống (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Khơ Mú, Mảng, Cống, Si La, Giáy, Lào, Lự, Kháng, La Hủ), hàng năm duy trì tổ chức 34 lễ hội ở 8 huyện, thành phố trong tỉnh.

Theo số liệu thống kê mới nhất, thì từ năm 2021 đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Lai Châu, đã có 5/6 mục tiêu cụ thể được triển khai, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực.

Các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu được bảo tồn như lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, kỹ thuật tạo hình trang phục, ẩm thực, sưu tầm hiện vật, xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể…

Công tác tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, sáng tạo, phổ biến văn hóa truyền thống trong cộng đồng, gia đình, trường học được quan tâm thực hiện. Phong trào văn hóa văn nghệ trong quần chúng nhân dân không ngừng phát triển, người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hiện nay, toàn tỉnh có 975 đội văn nghệ thôn bản (tăng 20 đội so với năm 2020), có 864 đội văn nghệ thôn bản và 24 đội văn nghệ xã hoạt động thường xuyên, hiệu quả (tăng 30 đội so với năm 2020).

Lai Châu: Hiệu quả triển khai Nghị quyết bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa- Ảnh 2.

Lễ cấp sắc của người Dao Lai Châu

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp, đạt kết quả tích cực.

Cùng với đó, 100% các nhà trường duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong trường học, xây dựng được không gian văn hóa (hoặc góc trưng bày các sản phẩm văn hóa) các dân tộc tiêu biểu; 45 trường học (20% trường phổ thông toàn tỉnh) thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả, thiết thực các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm triển khai. Việc liên kết, hợp tác trong bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch; tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.

Một số sản phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc được khai thác, phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển du lịch. Huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU.

Những kết quả đạt được, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời tạo ra động lực, tiền đề để tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị, di sản văn hóa, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn