Đợt lũ này là do mưa lớn xuất hiện từ ngày 30, 31/7 kéo dài đến ngày 03/8. Đặc biệt ngày 05/8/2018, trên địa bàn biên giới Lai Châu xảy ra mưa, lũ, sạt lở đất, đá diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Đến trưa 7/8, các tuyến đường giao thông từ Trung tâm huyện đi các xã biên giới, đồn Biên phòng (BP) vẫn bị chia cắt, cô lập, việc triển khai khai lực lượng cơ động đến ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn, có địa bàn không tiếp cận được, nhất là tuyến đi Phong Thổ (địa bàn 3 Đồn BP Dào San, Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải).
Ngay cả đồn BP Vàng Ma Chải cũng bị sạt, lở tà luy âm 01 đoạn, kéo dài từ vọng gác cổng chính về hướng nhà ở của Trung đội Vũ trang; sạt lở tà luy dương xuống hành lang phía sau nhà ăn, nhà bếp. Đồn BP Dào San bị sạt lở tà luy âm đến sát mép nhà ăn, nhà bếp; Trạm kiểm soát BP Lùng Than bị sạt tà luy dương đất, đá tràn vào phía sau nhà ở của Trạm và có nguy cơ bị sạt lở tiếp.
Thượng tá Lê Công Thành cho biết: Nhiều tuyến đường giao thông đến nay vẫn bị đứt mạch. Tuyến đường Tỉnh lộ 132 từ Trung tâm huyện Phong Thổ đi các xã Mù Sang, Dào San, Pa Vây Sử, Vàng Ma Chải, Sì Lờ Lầu (đoạn qua địa bàn Đồn BP Vàng Ma Chải, Dào San) bị sạt lở đất, đá, đứt đường tại 27 điểm, phương tiện cơ giới không lưu thông được. Các tuyến đường từ Trung tâm xã Mù Sang, Dào San, Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử đi các bản bị sạt lở nhiều đoạn (thuộc địa bàn Đồn BP Vàng Ma Chải, Dào San).
Tuyến đường từ xã Ka Lăng đến Trung tâm xã Thu Lũm và đồn BP Thu Lũm bị sạt 04 điểm, bị đứt 01 điểm; từ Trung tâm xã Thu Lũm lên Trạm Kiểm soát Biên phòng U Ma Tu Khoàng bị sạt lở 03 điểm và đến các bản Còng Khà, Pa Thắng, Á Chè, U Ma bị sạt lở nhiều đoạn phương tiện cơ giới không lưu thông được. Trong đó, bản Là Si đã bị cô lập hoàn toàn (địa bàn Đồn BP Thu Lũm).
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã điều động 160 lượt cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Phó Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy chỉ đạo công tác tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giúp dân khắc phục hậu quả tại xã Dào San, Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ. Hiện tại, đồng chí Phó Chỉ huy trưởng và đồng chí Chính uỷ BĐBP tỉnh vẫn đang có mặt tại hiện trường tìm kiếm cứu nạn.
Nhiều hộ dân được nhận tận tay tấm lòng của Bộ đội BP hỗ trợ qua lúc khó khăn
Cho đến nay, BĐBP tỉnh đã giúp đỡ, di dời 40 hộ/198 khẩu (địa bàn xã Vàng Ma Chải 14 hộ/72 khẩu, xã Mồ Sì San 04 hộ/21 khẩu, xã Dào San 05 hộ/22 khẩu, xã Tung Qua Lìn 01 hộ/4 khẩu, xã Nậm Xe 11 hộ/50 khẩu, xã Bản Lang 01 hộ/6 khẩu, xã Huổi Luông 01 hộ/06 khẩu, xã Pa Vây Sử 03 hộ/17 khẩu) ở những điểm nguy hiểm đến nơi an toàn.
Thượng tá Lê Công Thành khẳng định: Do thời tiết và địa hình miền núi còn diễn biến phức tạp, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị BĐBP toàn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, nhiều an hem chiến sỹ đã đi dọc theo các con suốt để tìm kiếm thi thể nạn nhân bị lũ cuốn trôi. Đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương cảnh báo kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân để chủ động phòng, chống hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, đặc biệt là vận động di rời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét và ở chân các ta luy đồi, núi có nguy cơ sạt lở đất cao. để có biện pháp đảm bảo an toàn.
*Danh sách 06 người chết đều ở huyện Phong Thổ gồm: Lý Thị Chà (Nữ - 70 tuổi), bản Sín Chải, xã Mù Sang, Phản Lở Mẩy (Nữ- SN 1988), bản Nhóm I, xã Vàng Ma Chải; Lý Lao Tả (Nam - trẻ em), bản Nhóm I, xã Vàng Ma Chải; Lý Láo Lở (Nam - trẻ em), bản Nhóm I, xã Vàng Ma Chải; Lý Láo San (Nam - trẻ em), bản Nhóm I, xã Vàng Ma Chải; Lý Láo Tả (Nam - trẻ em), bản Nhóm I, xã Vàng Ma Chải.
*05 người mất tích gồm: Tẩn Thị Thảo (Nữ - SN 2010), bản Nhóm I, xã Vàng Ma Chải; Chẻo Ú Mẩy (Nữ - SN 1986), bản Nhóm I, xã Vàng Ma Chải; Tẩn Chỉn Sèng (Nam – SN 1985), bản Nhóm I, xã Vàng Ma Chải; Đào Thị Chúc (Nữ - SN 1969), bản Hợp II, xã Dào San ; Chẻo Thị Trà My (Nữ - SN 2014), bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải.