Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn "than" khó vay

21:20 | 28/02/2023;
Sau khi mặt bằng lãi suất huy động hạ nhiệt, nhiều ngân hàng cũng đã quyết định giảm lãi suất cho vay. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn "than" khó tiếp cận vốn.

Sau định hướng giảm lãi suất cho vay gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số ngân hàng thương mại (NHTM) có tín hiệu giảm dần hoặc đưa các gói có lãi suất cho vay khởi đầu khá thấp.

Cụ thể, Ngân hàng TPBank đã quyết định giảm 1,5% - 2%/năm mức lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Gói ưu đãi tập trung cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt tại các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, nông nghiệp.

Ngân hàng VPBank cũng quyết định dành ra 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Mức lãi vay sẽ được giảm từ 0,5% - 1,5%/năm, tùy theo tình hình kinh doanh thực tế của từng doanh nghiệp.

Không chỉ giảm lãi suất vay, nhiều ngân hàng còn tung ra các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, ngân hàng Techcombank với lãi suất cơ sở đang ở mức 10,25% - 10,85%/năm, ngân hàng cũng tung ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu; VietinBank công bố gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023…

Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng "gói" được thiết riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể và phần lớn là kỳ hạn ngắn.

Đối với các khoản vay kỳ hạn dài hơn, doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao như 6 tháng sẽ ở mức 10%-10,5%/năm, hay trên 12 tháng sẽ ở mức 11%-12%/năm.

Chị Lương Phương Thảo (phố Trương Định, Hà Nội), chủ một chuỗi nhà hàng ăn uống, chia sẻ, một số ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay nhưng lại chủ yếu chỉ giảm cho khách VIP, chứ những công ty nhỏ như của chị thì không dám mơ được vay với mức lãi suất thấp. Bởi với các yêu cầu về doanh số, chỉ tiêu lợi nhuận… thì doanh nghiệp của chị hiện tại khó đạt được những yêu cầu của ngân hàng đề ra.

Còn chị Nguyễn Thu Hà, chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chia sẻ, chị biết về chương trình cho vay ngắn hạn lãi suất tối đa 5,5%/năm dành cho doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng nhiều lần hỏi vay mà không được.

Nguyên nhân là do chương trình luôn đòi hỏi phải đáp ứng nhiều tiêu chí như minh bạch về sổ sách, các số liệu tài chính được kiểm toán, kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận dương trong 3 năm liền kề trước thời điểm vay vốn. Trong khi đó, tại thời điểm Covid-19 diễn ra, doanh nghiệp của chị phải tạm dừng kinh doanh, không có lợi nhuận.

Về vấn đề này, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thông thường, các ngành ngân hàng sẽ tính thêm 2% là biên độ lợi nhuận cho khách hàng gửi, nghĩa là lãi suất huy động ở mức 6%/năm và biên độ lợi nhuận cho ngân hàng là 3% tức là lãi suất cho vay sẽ 9%/năm là phù hợp. Tuy vậy, thực tế trong khi lãi suất huy động có lúc lên 10%/năm và lãi suất cho vay ở mức 13%-14%/năm, thậm chí có mức ở 16%/năm.

"Với mức lãi suất vay 14%/năm thì doanh nghiệp phải có biên độ lợi nhuận trước thuế và trước khi trả nợ cho ngân hàng là 20%. Thử hỏi liệu có bao nhiêu doanh nghiệp đạt được lợi nhuận này?", vị chuyên gia này đặt vấn đề.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ và NHNN cần có phải có biện pháp mạnh hơn nữa để tất cả các NHTM giảm đồng loạt tất cả lãi suất phù hợp với thị trường với kỳ hạn dài để doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất kình doanh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn