Chị Hoàn làm kế toán cho một công ty kinh doanh vận tải. Với 10 triệu tiền lương mỗi tháng, ngoài ra chị Hoàn còn nhận việc tại một số đơn vị làm thêm nên thu nhập hằng tháng khoảng 20 triệu đồng. Với mức thu nhập tương đối ổn định cùng lương của anh Nguyễn Văn Nguyên (chồng chị Hoàn) từ một công ty xây dựng, sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng chị Hoàn đã tiết kiệm được 500 triệu đồng. Năm 2020, sau khi đã tính toán rất chi ly, vợ chồng chị Hoàn quyết định mua lại một căn chung cư cũ với giá 1,4 tỷ đồng. Ngoài số tiền có được và vay mượn của người thân, chị Hoàn phải vay của ngân hàng 600 triệu đồng. "Mỗi tháng, gia đình tôi phải trả nợ ngân hàng 7-8 triệu đồng, gồm cả gốc lẫn lãi. Số tiền đó không phải là quá lớn và hoàn toàn trong khả năng chi trả. Thế nhưng, đó là chuyện của 2 năm về trước, còn hiện tại tháng nào cũng chật vật chúng tôi mới có đủ tiền để trả, thậm chí phải đi mượn. Thời gian tới chưa biết tính sao", chị Hoàn thở dài ngao ngán.
Theo chị Hoàn, kể từ sau dịch Covid-19 công việc của chị bắt đầu khó khăn. Những nơi chị làm thêm giờ bị "cắt" hết do việc ít. Buồn nhất là anh Nguyên bị mất việc. Anh Nguyên từng là một cán bộ kỹ thuật ở công ty xây dựng. Hơn một năm nay, công ty không nhận thêm được công trình mới nào. Công trình cũ xong, đồng nghĩa với việc anh Nguyên thất nghiệp. "Trước đây, ngoài lương chính, những đêm trực đổ bê tông tôi còn nhận được khoản phụ cấp khá tốt. Thế nhưng việc ít dần và có thời gian ngày đi làm, đêm tôi phải chạy Grab để có thêm thu nhập. Kể từ tháng 5 đến nay, tôi nghỉ hẳn ở công ty và chưa xin được việc mới nên chạy Grab trở thành nghề chính", anh Nguyên chia sẻ.
Cả 2 vợ chồng đều giảm thu nhập nghiêm trọng, trong khi lãi từ ngân hàng lại tăng "đột biến" khiến gánh nặng trả nợ hằng tháng trở nên nan giải với vợ chồng chị Hoàn. "Tôi vay lãi suất năm đầu 8%/năm. Năm tiếp theo bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng + biên độ 3,7%/năm. Mấy tháng cuối năm 2022, lãi suất liên tục tăng. Với đà này, tôi lo sẽ còn lên tiếp", chị Hoàn lo lắng nói.
Chỉ trong vài tháng gần đây, lãi suất huy động được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh tăng khiến lãi suất cho vay cũng biến động. Đầu tháng 11/2022, nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức lãi suất huy động lên tới 8,5%-8,7%/năm như ABBank, Kienlongbank, BacABank, GPBank. Tại một số ngân hàng lớn, lãi suất niêm yết cao nhất vượt 8%/năm như MB (8,7%), VPBank (8,6%), Techcombank (8,5%), SHB (8,4%), Sacombank (8,0%)... Thế nhưng, con số trên giờ đã là quá khứ. Ngày 28/11/2022, lãi suất huy động tiền gửi được niêm yết trên website Saigonbank lên đến 10,5%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Với các kỳ hạn 12; 18; 24 và 36 tháng, lãi suất huy động cũng lên mức 10%/năm. Tại Ngân hàng SCB, lãi suất huy động tiền gửi online đã đạt mức 9,95%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; gửi từ 6 tháng, lãi suất lên mức 9,9%/năm. Ngày 30/11, lãi suất cao nhất thị trường thuộc về SaigonBank với mức lãi suất huy động là 10,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng áp dụng cho tiền gửi trực tuyến.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng, việc tăng lãi suất là điều tất yếu vì không còn cách nào khác. Từ đầu năm đến nay, Mỹ tăng lãi suất 5-6 lần, các quốc gia lớn hay nhỏ từ liên minh châu Âu đến những nước bên cạnh chúng ta như Lào, Thái Lan đều tăng lãi suất. Ngân hàng Nhà nước của nhiều nước trên thế giới đều tăng lãi suất. Nền kinh tế và hoạt động tiền tệ của Việt Nam cũng bị tác động mạnh. Việc giãn cách khoảng cách giữa đồng ngoại tệ, đặc biệt là USD, làm cho sức ép tăng lên, khả năng mất giá của đồng Việt Nam càng lớn. Điều này cũng ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, buộc chúng ta phải tăng lãi suất điều hành. Khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lập tức lãi suất huy động tăng. Các ngân hàng đã tạo ra "cuộc đua" lãi suất huy động và kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng. Lãi suất cho vay tại một số ngân hàng hiện tăng 3%-4% và có ảnh hưởng lớn đến người vay.
"Tôi dự báo, cuối tháng 12 đồng USD sẽ chững lại hoặc xuống giá, khi đó Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét để điều chỉnh đồng Việt Nam cho phù hợp. Đến bây giờ dự báo của tôi trước đó đã đúng, USD đã chững và đang giảm. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giảm lãi suất dù ít nhưng sẽ là đòn bẩy giúp ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Sang tháng 12, kỳ vọng cuộc đua lãi suất sẽ dừng lại khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo khảo sát của PV Báo PNVN, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng và đẩy lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân lên mức 14% - 15%/năm. Một nhân viên của ngân hàng BIDV cho biết, vào thời điểm năm 2020, mức cho vay cá nhân khoảng 7,5%-8,2% nhưng hiện tại lãi suất liên tục biến động. Trong tháng 11/2022, mức lãi suất cho vay là 10,3%-11,8%.
Trong vai người đi vay tiền mua nhà, mua xe, chúng tôi được một nhân viên ngân hàng VIB cho biết, vay mua nhà, mua xe năm 2020-2021 đến tháng 6/2022 khoảng 9,5%-10%/năm nhưng hiện tại đã lên đến 14%-14,5%/năm. "Gia đình tôi vay ngân hàng để mua nhà, mua xe ô tô vào năm 2015 với lãi suất 7,5%. Những năm tiếp theo có điều chỉnh lãi suất tăng nhưng không đáng kể. Chỉ riêng mấy tháng gần đây, lãi suất "bật" lên đến 11,8%. Hằng tháng, gia đình tôi lại phải trả thêm số tiền khá lớn", chị Vũ Thị Thanh (số 75 Tam Trinh, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng đang nợ ngân hàng 900 triệu đồng tiền mua nhà, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, không khỏi lo lắng khi mặt bằng lãi suất ngân hàng liên tục tăng. "Vừa kết thúc 1 năm hưởng lãi suất ưu đãi, từ tháng 12/2022, tôi phải trả theo mức lãi suất thả nổi của ngân hàng. Từ việc trả lãi ngân hàng 7 triệu đồng/tháng, giờ tôi phải trả khoảng 10 triệu/tháng. Không còn cách nào khác, tôi phải cân đối lại các khoản chi tiêu trong gia đình. Mới đây, ngân hàng tiếp tục thông báo điều chỉnh lãi suất tăng thêm hơn 1%/năm. Gánh nặng trả nợ hằng tháng đang ngày một lớn", chị Thơm chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn