Không mặn mà gửi tiết kiệm
Hiện nay, theo công bố trên trang web chính thức của các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm vẫn được giữ ở mức thấp. Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện thấp hơn thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện khoảng 1,5-2%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đang là ngân hàng có lãi suất cao nhất, lên tới 8,2%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, 8,1%/năm kỳ hạn 12 tháng. Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB)... cũng đang niêm yết lãi suất cao nhất trên 7%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, người gửi tiền phải đáp ứng các điều kiện về số tiền gửi từ 200 tỷ, 300 tỷ hoặc 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn gửi 12-13 tháng. Với cùng kỳ hạn, nếu khoản tiền gửi không đáp ứng điều kiện trên, lãi suất khách hàng nhận được chỉ trên 6%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tại các ngân hàng thương mại cổ phần dao động 4,4%-5,7%/năm, trong khi tại các ngân hàng quốc doanh giữ ở mức 3,8%-4%/năm. Còn với tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất tiền gửi ở mức 2,9%-4%/năm.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi dân cư chỉ tăng thêm 120.000 tỷ trong 4 tháng đầu năm 2021, thấp nhất trong 6 năm qua và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019, tức thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Tiền gửi của người dân tại ngân hàng có xu hướng tăng chậm lại trong các năm gần đây nhưng xu hướng càng mạnh hơn từ năm 2020 khi Covid-19 xuất hiện.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh lãi suất thấp, dịch Covid-19 kéo dài, cơ hội làm ăn kinh doanh, khởi nghiệp suy giảm khiến dòng tiền chuyển sang một số kênh đầu tư khác với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn.
Tiền "chảy" sang chứng khoán, bất động sản
Chị Nguyệt Minh (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 tái bùng phát, được công ty tạo điều kiện, chị chủ yếu làm việc tại nhà. Có thời gian rảnh rỗi, chị bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán và rút 30% tiền tiết kiệm tham gia kênh đầu tư này. Đầu tháng 6 vừa qua, chị Minh tiếp tục rút thêm 100 triệu đồng từ tài khoản tiết kiệm chuyển vào chứng khoán với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn. "Lãi suất tiền gửi ngày càng giảm, tiền tiết kiệm tôi đang gửi kỳ hạn 6 tháng lãi suất chỉ có 4%/năm nên tôi quyết định rút ra để đầu tư chứng khoán với hy vọng có lợi nhuận cao hơn", chị Minh chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chị Minh là 1 trong số gần 500.000 nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay.
Tại báo cáo chiến lược tháng 6 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt dẫn số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 480.490 tài khoản đầu tư chứng khoán, vượt xa mức kỷ lục của năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới).
Mới đây, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 5/2021, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.428 tỷ đồng/phiên, tăng 302,3%; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.622 tỷ đồng/phiên, tăng 17,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 24.041 tỷ đồng/phiên, tăng 90,9%.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thừa nhận, có xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang chứng khoán trong bối cảnh kênh đầu tư này đang thu hút dòng tiền và nhà đầu tư kỳ vọng kiếm được lợi nhuận nhiều hơn so với gửi tiết kiệm.
Ngoài chứng khoán, dòng tiền còn đổ vào bất động sản. Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2021, các chỉ số cơ bản như nguồn cung, lượng giao dịch, lượng vốn đầu tư, tín dụng, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn duy trì sự ổn định. Trong các chỉ số của thị trường, chỉ có chỉ số về giá bất động sản có nhiều biến động. Giá bất động sản nhìn chung tăng và có hiện tượng "sốt" đất nền cục bộ tại một số khu vực.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mai, tuy lãi suất tiền gửi hiện tại thiếu hấp dẫn, người dân chuyển dịch vốn qua thị trường chứng khoán hay bất động sản nhưng không đáng lo ngại vì mọi giao dịch này đều thông qua ngân hàng. Tức là tiền không ra khỏi hệ thống ngân hàng. Chỉ khi nào người dân dồn vốn vào vàng, ngoại tệ... mới ảnh hưởng không tốt đến kinh tế vĩ mô, tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn