Lai tạo thành công gạo tím giúp chữa bệnh ung thư

14:10 | 05/07/2017;
Các nhà khoa học Trung Quốc đã lai tạo thành công loại gạo tím biến đổi gene, giàu chất chống oxy hóa phục vụ việc chữa trị bệnh ung thư và các bệnh khác.
Hãng tin Tân hoa xã dẫn kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecular Plant cho biết lợi ích đối với sức khỏe con người của loại gạo mới này là do nó giàu hợp chất mầu hữu cơ tự nhiên anthocyanin.

Hợp chất này nằm trong nhóm sắc tố để tạo nên chất chống oxy hóa và nhiều màu sắc khác nhau cho hoa mầu và cây trái.

Theo công trình nghiên cứu trên, việc ăn nhiều gạo giàu hợp chất anthocyanin mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ của con người, làm giảm các nguy cơ của một số căn bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường và các căn bệnh mãn tính khác.

Loại hợp chất này có ở nhiều loại hoa quả và rau có màu tím, màu đỏ và màu xanh.
gao-tim.jpg
(Nguồn: newatlas.com)

Trước đây, các nỗ lực sử dụng kỹ thuật biến đổi gene để sản xuất hợp chất anthocyanin trong gạo đã thất bại do quá trình trao đổi chất diễn ra hết sức phức tạp.

Nhà nghiên cứu Yao-Guang Liu thuộc Đại học Nông nghiệp Nam Trung Hoa và các cộng sự lần đầu tiên xác định được các gene có liên quan đến việc tạo thành hợp chất anthocyanin trong các loại gạo khác nhau.

Các nhà khoa học đã phát triển cái gọi là "hệ thống sử dụng hoán đổi gene năng suất cao" và sử dụng 8 gene cần thiết để sản xuất hợp chất anthocyanin trong các loại gạo, với mong đợi tạo ra loại gạo tím giàu hợp chất màu hữu cơ tự nhiên và hoạt tính cao chống oxy hóa.

Nhà nghiên cứu Yao-Guang Liu nhấn mạnh rằng "đây là can thiệp đầu tiên của kỹ thuật biến đổi gien trong chuỗi phản ứng phức hợp ở thực vật". Kế hoạch của các nhà khoa học trong tương lai là có thể sử dụng kỹ thuật trên để sản xuất các chất dinh dưỡng quan trọng và các tiền chất sản xuất thuốc chữa bệnh.

Hiện, các nhà nghiên cứu đang có kế hoạch kiểm chứng độ an toàn của gạo tím mới trong quá trình trao đổi sinh hóa ở thức ăn và cố gắng dùng kỹ thuật biến đổi gene để tổng hợp chất anthocyanin trong các loại cây trồng khác như các loại ngũ cốc có màu tím.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn