Khả năng nói của một đứa trẻ sẽ thay đổi qua từng độ tuổi, điều quan trọng nhất là ở mỗi giai đoạn cha mẹ cần có những phương pháp thích hợp để cải thiện việc giao tiếp của con mình. Nếu cha mẹ bỏ qua vấn đề ngôn ngữ của trẻ, điều đó sẽ gây ra nhiều bất lợi trong quá trình phát triển.
Tiến sĩ người Ấn Atchara Venakatraman, nhà tâm lý học trẻ em, đồng thời là người sáng lập Bump2Cradle cho biết: "Trẻ sơ sinh bắt đầu giao tiếp với chúng ta bằng cách khóc. Đây là cách chúng cho bạn biết khi nào đói hoặc khó chịu. Đôi khi trẻ khóc mà không có lý do. Mãi đến khi trẻ bước vào giai đoạn bập bẹ và biết ra hiệu, cha mẹ mới có thể hiểu được ý muốn của con mình".
Việc nói lưu loát là một kỹ năng quan trọng và cần thiết đối với trẻ nhỏ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp của trẻ. Dưới đây là một số mẹo có thể cải thiện phần nào khả năng nói của một đứa trẻ:
1. Tường thuật lại các hoạt động
Khi người mẹ làm các công việc nhà, giặt giũ, chuẩn bị thức ăn, hãy thuật lại những gì mình làm với trẻ. Lúc này, nếu trẻ chưa biết nói, chúng sẽ cười, cử động tay chân, tỏ ra hào hứng, thích thú với việc nghe mẹ kể chuyện.
Bạn cũng có thể hát để thu hút sự chú ý của con mình, thủ thỉ với con khi đang ôm và giao tiếp bằng mắt. Những hành động này rất có lợi cho việc kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ 6 tháng tuổi.
2. Lặp lại 3 lần
Theo tiến sĩ Venakatraman, trung bình trẻ em cần nghe mọi thứ khoảng 3 lần trước khi chúng kết nối với ngôn ngữ.
Ví dụ: Nếu bạn đang cho con xem một chiếc bút chì, bạn cần nói nó theo 3 cách khác nhau như sau:
- "Ồ, con hãy nhìn cây bút chì này".
- Bạn có thể lấy một tờ giấy và nói: "Mẹ đang viết bằng bút chì".
- Bạn có thể đưa bút chì cho con mình và nói: "Đây là bút chì, con đang cầm bút chì".
3. Đưa ra các lựa chọn
Bạn cho con mình quyền lựa chọn một cách đơn giản nhất. Ví dụ: Đặt một quả táo và một quả cam trước mặt con và nói con muốn "quả táo" hay "quả cam", lặp lại câu hỏi của ít nhất 3 lần.
4. Đọc sách
"Bố mẹ hãy đọc sách cho con mình nghe hàng ngày để bé nghe và nắm được những từ quan trọng". Tiến sĩ Venakatraman nói: "Việc đọc sách cho trẻ nghe cũng làm tăng vốn từ vựng hiệu quả".
Đọc sách và kể chuyện cho con nghe có thể giúp trẻ phát triển vốn từ vựng, tăng khả năng phân tích, suy luận.
5. Tạo ra các tình huống giả định
Bạn hãy tạo ra các tình huống giả định để khuyến khích trẻ nói chuyện và sử dụng trí tưởng tượng của mình. Các tình huống này giúp trẻ phát triển khả năng diễn đạt và tăng cường sự sáng tạo của trẻ.
6. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa
Các hoạt động ngoại khóa giúp trẻ tăng cường kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội. Cha mẹ nên khuyến khích con mình tham gia các hoạt động như câu lạc bộ, lớp học hoặc các hoạt động ngoại khóa khác để giúp trẻ nói chuyện lưu loát hơn.
7. Tránh chỉ trích và phê bình
Tránh chỉ trích hoặc phê bình con khi con nói sai hoặc không rõ ràng. Cha mẹ nên thường xuyên khuyến khích và hỗ trợ để con có thể cải thiện khả năng nói chuyện của mình.
Hoạt ngôn, nói năng lưu loát là một kỹ năng mềm mà cha mẹ nên sớm rèn luyện cho con mình ngay từ nhỏ. Khi một đứa trẻ có khả năng giao tiếp tốt, chúng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn