Cách đây 1 năm, bé gái 13 tuổi quê Long An nhập viện điều trị khối bướu lớn ở vùng đầu tụy. Các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, tái lập sự lưu thông của đường tiêu hóa, mật, tụy. Bé được xuất viện, không có tái phát về bướu.
Tuy nhiên, cách đây khoảng 6 tháng thì bị xuất huyết ồ ạt, được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương điều trị. Tuy nhiên, vẫn không tìm được nguyên nhân gây xuất huyết.
Sau đó, do tình trạng xuất huyết lại tiếp diễn nên bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bé ói ra máu nhiều, dung tích hồng cầu xuống chỉ còn 25%. Kết quả siêu âm phát hiện bé bị tắc tĩnh mạch cửa, biến chứng của ca phẫu thuật trước đó.
Qua đánh giá, các bác sĩ quyết định sẽ tiến hành làm phẫu thuật bắc cầu nối cửa – cửa. Theo đó, bác sĩ sẽ làm bộc lộ mạch máu đã bị thay đổi từ cuộc đại phẫu trước đó rồi lấy mạch máu ở vùng cổ nối ở vùng dưới và trên chỗ tắc.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đây là một ca phẫu thuật cực kỳ khó, bởi bệnh nhân đã trải một cuộc mổ, làm biến đổi tổ chức ở vùng phẫu thuật, có những thay đổi không thể lường trước được.
Ths.Bs Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đây là phẫu thuật rất khó, theo tìm hiểu thì hiện tại ở Việt Nam chưa có bất cứ bệnh viện nhi nào tiến hành làm phẫu thuật này.
Ca phẫu thuật cho bé gái kéo dài 8 tiếng đồng hồ, không kể thời gian gây mê. Sau 24 giờ mổ, các bác sĩ đánh giá ca mổ rất thành công, giải thoát được chỗ tắc nghẽn, dẫn lưu máu tốt.
Theo bác sĩ, nếu không được điều trị kịp thời thì tình trạng xuất huyết của bé sẽ diễn ra ngày càng nhiều, sẽ nguy hiểm đến tính mạng.