Chị Trịnh Thúy Ngà là con gái Hà Nội nhưng lấy chồng ở một huyện thuần nông của tỉnh Thái Bình. Hôm đầu tiên đón dâu, họ đàng gái vừa lên xe quay về Hà Nội, chị Ngà đã bị giục thay váy áo ra, dọn dẹp cùng các chị em chồng. Chưa bao giờ chị Ngà phải ngồi rửa đống bát đĩa ngổn ngang như thế.
Đêm tân hôn, người chị đau nhừ từng khớp xương, thớ thịt. Lúc anh vừa vòng tay ôm chị, tức thì chị òa khóc nức nở vì thấy mệt mỏi, tủi thân. Anh hốt hoảng áp chặt chị vào lòng, nhẹ tay che miệng để tránh người nhà nghe thấy tiếng nức nở trong đêm...
Anh là người tinh tế, hiểu được cảm xúc khi làm dâu nhà quê của chị nên anh vừa động viên, vừa nhỏ to tâm sự để chị hiểu về gia đình, về lề thói quê anh.
"Người quê thật thà, cục mịch nhưng tốt bụng vô cùng. Nếu có gì khó xử, em cứ nói với anh, anh sẽ có cách để dung hòa mọi việc. Anh tin, tình yêu của em dành cho anh sẽ đủ mạnh để yêu thương, gắn bó với gia đình, họ hàng, làng xóm của anh". Nghe chồng nói thế, chị thấy như tan đi nhọc nhằn. Sau này, chị vẫn trêu anh "đêm tân hôn là bài giảng đầu tiên về đất và người quê chồng".
Hồi yêu nhau, thi thoảng theo anh về thăm quê, lần nào cũng được mọi người ưu ái nên chị thấy rất thoải mái, dễ chịu. Khi chính thức làm dâu con trong nhà, lại là dâu trưởng, được ông nội và bố mẹ chồng trao cho một loạt trách nhiệm, chị mới hốt hoảng.
Ngoài ngày lễ, Tết, một năm nhà chồng có 3 cái giỗ chính, cộng với một lần chạp họ, ông nội bắt buộc chị phải thu xếp, xin nghỉ phép về nhà cùng gia đình bàn bạc, tính toán làm cỗ, mời người thân trong họ.
Ngày Tết, chị phải về từ trước hôm 30 để nấu nước thơm cùng mẹ chồng lau dọn bàn thờ tổ tiên. Sáng mùng Một, chị phải cùng mẹ chồng ra chùa rồi cùng cả nhà ra nhà thờ họ thắp hương, sau đó đi một vòng chúc Tết họ hàng.
Người họ xa thì thôi nhưng trong nội tộc có đám ma chay, cưới hỏi, người ốm đau thì nhất định hai vợ chồng phải thu xếp về quê thăm hỏi... Mới chừng ấy việc thôi đã đủ khiến chị Ngà muốn... đầu hàng.
Nhiều lần mệt mỏi quá, chị Ngà chỉ muốn... cãi nhau vì sự vô lý ở quê chồng. Ngay ở cơ quan chị Ngà, có cô bạn đồng nghiệp, vợ chồng luôn trong mối quan hệ SOS vì những bất hòa giữa con dâu với nhà chồng. Chủ đề "thói xấu quê chồng" luôn là đề tài sôi nổi với mấy cô, mấy chị.
Đúng là chị Ngà không hài lòng với nhiều nếp sống, nếp nghĩ của nhà chồng, song nhớ lại những tình cảm chân thành mà gia đình chồng, họ hàng, làng xóm quê chồng dành cho mình, chị lại nhủ lòng "cố gắng thêm một chút".
Hồi sinh con thứ 2, anh đi công tác cả tháng, bố mẹ đẻ lại làm nhà nên mẹ con chị Ngà phải về quê chồng để gia đình tiện chăm sóc. Những ngày "ăn dầm ở dề" dưới quê gần 3 tháng, chị Ngà mới thực sự thấu hiểu thế nào là tình quê. Người cho con gà, người chục trứng gà ta, người chục chân chó... họ hàng thi nhau mang đồ đến để mẹ chồng chị nấu bồi bổ cho con dâu có sữa. Những thứ tình chân quê ấy, ở phố bao năm, làm gì chị có được!
Có thời gian trò chuyện, thủ thỉ với ông nội cùng bố chồng, nghe họ kể những năm tháng ở chiến trường, chị càng thêm khâm phục. Dịp ấy nhà có giỗ, chị lấy cớ đang ở cữ, thuyết phục ông nội và bố mẹ chồng cho đặt cỗ thay vì nấu nướng vất vả, chị và mẹ chồng sẽ luộc gà, nấu xôi để sắp mâm cơm cúng.
Ban đầu cả nhà đắn đo vì sợ dân làng dị nghị nhưng rồi cũng đồng ý cho chị được đặt cỗ. Đó được coi là thành công ban đầu của chị.
Làm dâu nhiều năm, quen với nếp nhà, thói quê, chị Ngà từng bước thay đổi cách sinh hoạt của gia đình theo chiều tích cực. Giờ mỗi năm không chỉ 3 cái giỗ chính, 1 cái chạp họ mà hễ có thời gian nghỉ lễ dài dài, vợ chồng con cái chị Ngà lại về quê.
"Cụ nội bọn trẻ mất rồi, giờ còn ông bà nội, phải tranh thủ thời gian cho bọn trẻ về sống với ông bà. Chúng có ở quê mới gắn bó, mới yêu quê", chị Ngà chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn