‘Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp’ thay đổi hơn 2.000 cuộc đời

20:53 | 28/11/2018;
Cuộc đời của hơn 2.000 thanh niên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị bạo hành, bị lạm dụng, nạn nhân của buôn bán người… đã sang trang mới từ khi tham gia chương trình "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp" của L’Oreal.

“Phép màu” 

Chẳng bao giờ cô gái 30 tuổi Phạm Thị Tầm (huyện Quốc Oai, Hà Nội) có thể nghĩ cuộc đời của mình lại bước sang một trang mới tươi đẹp như vậy. Hoàn cảnh khó khăn, bố Tầm bệnh tật, ốm đau liên miên nhiều năm nay nên mọi gánh nặng đặt lên đôi vai gầy của người mẹ trong gia đình đông con. Không có điều kiện học hành nhiều nên Tầm làm đủ nghề kiếm sống, từ làm công nhân may đến đi buôn bán hoa quả. Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, Tầm cũng không biết tương lai sẽ ra sao. Tầm rất muốn đi học nghề để có một công việc ổn định giúp đỡ gia đình nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp khiến ước mơ đi học nghề của cô thật xa vời.

 

tam1.JPG
Nhờ chương trình "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp" của LOreal mà cuộc đời của Phạm Thị Tầm (áo đỏ) đã bước sang trang mới tươi đẹp hơn

 

May mắn, Tầm biết đến chương trình "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp" của L’Oreal giúp đỡ thanh niên và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt học nghề làm tóc. Cô đăng ký và không thể tin nổi mình trở thành học viên dễ dàng như vậy. “Em được học khóa thợ phụ trong 3 tháng hoàn toàn miễn phí. Hiện tại, em và em trai mở cửa hàng làm tóc gần nhà. Sắp tới, em sẽ đăng ký học thêm khóa cắt miễn phí của chương trình này”.

Điều rất mừng, em trai của Tầm cũng là học viên của chương trình này. Hiện tại, nhờ được học nghề làm tóc, 2 chị em Tầm đã có thu nhập ổn định. “Dù đến với nghề làm tóc ở tuổi 30, khá muộn so với nhiều bạn nhưng em thực sự tìm thấy niềm đam mê của mình. Với em, chương trình của L’Oreal như một “phép màu”, biến cuộc sống của em, của gia đình em tốt đẹp lên rất nhiều”, Phạm Thị Tầm chia sẻ.

 

group-photo.jpg
Chương trình “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” của L’Oreal đã thay đổi hơn 2.000 cuộc đời những thanh niên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt

 

"Hạnh phúc nhất là nhìn thấy người phụ nữ được độc lập"

Cùng với chị em Phạm Thị Tầm là 2.015 người có cơ hội thay đổi cuộc đời từ Chương trình “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” của L’Oreal. Họ là những thanh niên và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt như bị bạo hành, bị lạm dụng, nạn nhân của buôn bán người, phạm nhân ra trại. Các học viên không chỉ được học nghề mà còn được sắp xếp việc làm tại tất cả các salon hiện đại trên phạm vi cả nước.

 

sep.JPG
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPNVN Hoàng Thị Ái Nhiên đánh giá cao chương trình cộng đồng ý nghĩa này của L’Oreal

  

Là người đồng hành với chương trình cộng đồng này của L’Oreal, bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPNVN, chia sẻ: Chương trình này phối hợp với Hội LHPN tỉnh Quảng Bình không chỉ giúp đỡ phụ nữ khó khăn tại các huyện và các tỉnh miền Trung mà còn mở khóa học đặc biệt tại trại giam Đông Sơn (Quảng Bình), dành cho 50 phạm nhân nữ cải tạo tốt và chuẩn bị ra trại với mục tiêu giúp các chị em có cơ hội hòa nhập lại với cuộc sóng nhanh hơn và tạo dựng lại một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Chương trình “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” của L’Oreal thực sự ý nghĩa khi các em muốn có nghề để tạo dựng cuộc sống cho mình”.

 

chi-trinh.jpg
Chị Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, "kiến trúc sư" của Chương trình "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp", tâm sự: "Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là nhìn thấy người phụ nữ được độc lập"

 

Là “kiến trúc sư” cho chương trình cộng đồng ý nghĩa này, chị Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh (Giám đốc truyền thông đối ngoại L’Oreal) chia sẻ về việc biến ý tưởng nhân văn thành sự thật: “Năm 2009, L’Oreal kỷ niệm 100 năm thành lập tập đoàn với cam kết chia sẻ với cộng đồng mà L’Oreal đang hiện diện và đóng góp lâu dài vào sự phát triển xã hội tại Việt Nam. Trong 1 lần đọc báo cáo về nạn buôn người, tôi nhận thấy, “trò” của họ là quyến rũ các cô gái trẻ lên thành phố học nghề kiếm tiền nuôi gia đình. Từ xuất phát đó, tôi đã biến ý tưởng không có trong thực tế ấy thành sự thật. Đó là tạo ra chương trình mang nghề cho các bạn trẻ từ khắp các vùng quê đổ về các thành phố lớn để học nghề và trở lại quê hương mở tiệm tóc để thay đổi cuộc đời của họ và gia đình họ. Năm 2014, dự án này được triển khai ra toàn thế giới và giờ là dự án thế giới bắt nguồn từ Việt Nam. Hiện tại, có 35 nước trên thế giới áp dụng chương trình này. Họ cử người qua Việt Nam học theo mô hình này và phát triển chương trình lên. Đó là niềm hạnh phúc của những người làm chương trình này, bởi chúng tôi không chỉ giúp cho phụ nữ Việt Nam mà còn giúp cho phụ nữ trên toàn thế giới - những người phụ nữ có cùng chung số phận với những người phụ nữ Việt Nam”.

Chương trình đã thay đổi cuộc đời của hàng nghìn người, đó là hạnh phúc vô cùng lớn lao của người kiến tạo ra chương trình cộng đồng ý nghĩa Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh. Chị tâm sự: “Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là nhìn thấy người phụ nữ được độc lập. Trước đây, họ không có tiếng nói trong gia đình, giờ họ được độc lập về tài chính, có tiếng nói trong gia đình, họ có quyền được giáo dục, nuôi dưỡng con cái, dẫn dắt cho mình có được cuộc sống hạnh phúc hơn, đó là hạnh phúc bền vững nhất”. 

5 năm thực hiện chương trình L’Oreal “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” tại Hà Nội đã mang đến cuộc sống mới cho 397 học viên từ 28 tỉnh/thành khu vực phía Bắc. Trong đó có 330 học viên trở thành thợ tóc với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/tháng, 67 học viên mở tiệm với mức thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn