Cụm thi đua số 2 Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng gồm 4 huyện: Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông và Bảo Lâm. Lãnh đạo Hội LHPN Lâm Đồng cho biết, đây là 4/7 địa phương trong tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Dự án 8 của các huyện Cụm thi đua số 2 luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Hội LHPN tỉnh, của Huyện ủy, HĐND, sự phối kết hợp chặt chẽ của UBND các huyện. Các nội dung trong Dự án 8 được chỉ đạo thực hiện bằng các kế hoạch cụ thể, đã tạo điều kiện cho Hội Phụ nữ các cấp thực hiện kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của cán bộ, hội viên và người dân; được cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng.
Nhiều đổi thay tích cực từ Dự án 8
Trao đổi với Phụ nữ Việt Nam, Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 Nguyễn Thị Thùy - Chủ tịch Hội LHPN Lâm Hà cho biết: Các hoạt động của Dự án 8 cơ bản đã bám sát yêu cầu định hướng nội dung của Chương trình, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.
Sau thời gian thực hiện, Dự án 8 đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giới và bình đẳng giới; thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ bảo vệ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em…
Đến nay, Hội LHPN các huyện trong Cụm đã thành lập và duy trì 56 Tổ truyền thông cộng đồng; xây dựng 20 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại các xã, thị trấn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình. Phối hợp với Phòng GDĐT huyện chỉ đạo thành lập 17 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại 17 trường học thuộc các xã, thị trấn với hơn 500 thành viên. Phối hợp với Công an tổ chức 102 hội nghị truyền thông về kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Tổ chức truyền thông kiến thức về bình đẳng giới tại 57 thôn đặc biệt khó khăn với trên 8.000 đại biểu tham gia. Tổ chức 35 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn. Mở 2 lớp tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ các cấp; 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng...
Đánh giá thực trạng quá quá trình thực hiện Dự án 8, bên cạnh những thuận lợi, các huyện cũng chỉ ra một số khó khăn, rào cản như: Địa bàn các thôn đặc biệt khó khăn ở xa, dân cư sống không tập trung, điều kiện về vật chất và trình độ tiếp cận của dân cư tại vùng đồng bào DTTS còn hạn chế.
Việc thanh quyết toán các nội dung triển khai thực hiện Dự án còn lúng túng, bị động, tiến độ giải ngân còn chậm.
Cán bộ Hội không có chuyên môn, nghiệp vụ kế toán, nên rất nhiều khó khăn trong việc lập dự toán cũng như thanh quyết toán kinh phí. Kinh phí hỗ trợ một số nội dung chưa phù hợp, chỉ được hỗ trợ một lần khi thành lập mô hình, chưa được hỗ trợ xuyên suốt trong quá trình vận hành và duy trì hoạt động (các mô hình Tổ Truyền thông cộng đồng, CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi).
Tài liệu triển khai thực hiện Dự án 8 được Trung ương phát hành dưới dạng poscard, phim ngắn nhưng điều kiện cơ sở vật chất tại các thôn đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng được nên chưa truyền tải hết được các nội dung tuyên truyền. Đối tượng thụ hưởng Dự án gói gọn trong các thôn đặc biệt khó khăn nên các hoạt động tổ chức thực hiện các nội dung của Dự án không phong phú…
Tìm giải pháp hoạt động Dự án 8 hiệu quả hơn
Để tìm giải pháp thực hiện Dự án một cách hiệu quả trong thời gian tới, ngày 17/10, 4 huyện trong Cụm thi đua số 2 đã tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng tại vùng DTTS.
Tại hội thảo, đại diện đến từ các đơn vị tập trung phân tích, thảo luận các vấn đề: Cách thức triển khai thành lập và vận hành để phát huy hiệu quả của các mô hình, địa chỉ tin cậy cộng đồng, tổ Truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi",...; kinh nghiệm công tác tham mưu và các hoạt động phối hợp trong triển khai Dự án 8 cũng như việc thanh quyết toán kinh phí đạt hiệu quả và đúng quy định; khó khăn trong tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách tại cơ sở, giải pháp nâng cao hiệu quả đối thoại chính sách; công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và Nhân dân trong vùng đồng bào DTTS thực hiện nếp sống văn minh, giảm tình trạng bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại, mua bán phụ nữ, trẻ em, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
"Để rút ra bài học nhằm thực hiện hiệu quả Dự án, chúng tôi đã mạnh dạn nêu rõ cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công; đồng thời đề xuất giải pháp, kinh nghiệm về cách làm hay, hiệu quả, nhất là kinh nghiệm về các mô hình sáng tạo, hiệu quả, góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em; chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số:" - bà Nguyễn Thị Thùy cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn