Trong khi các quốc gia phát triển đang sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo, đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng, đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện, đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới.
Đồng thời, WHO cũng xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.
Kháng sinh thường được chỉ định sử dụng trong phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn thông thường trong sinh hoạt. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh thế nào để có thể đem lại tác dụng như mong muốn, đồng thời giảm nhẹ các tác dụng phụ của kháng sinh lại không phải điều mọi người có thể nắm chắc và tuân thủ.
Lưu ý chính khi sử dụng kháng sinh chính là phải dùng đủ liều, đủ thời gian để thuốc có thể phát huy tác dụng và theo dõi tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn.
Nỗi lo sợ của giới y học lúc này là số người chết vì kháng kháng sinh có thể sẽ tăng lên mức rất cao, trước khi nhận được sự chú ý của số đông trong xã hội. Nếu tại thời điểm này chúng ta không tạo ra được một thay đổi mang tính căn bản để giải quyết vấn đề, theo Liên Hợp Quốc, từ năm 2050 trở đi, sẽ có khoảng 10 triệu người chết mỗi năm vì các căn bệnh nhiễm trùng, không còn thuốc chữa. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã khiến sức đề kháng của trẻ em Việt Nam đang ngày một yếu đi, ngay cả các loại nhiễm trùng thông thường giờ đây cũng trở nên nguy hiểm.
Cụ thể, việc lạm dụng kháng sinh có thể gây ra rất nhiều tác hại, điển hình chính là hậu quả nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, dẫn tới sự khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh...
Bên cạnh đó, một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.
PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết: "Trung bình mỗi ngày BV Nhi Trung ương khám cho khoảng 3.000- 4.000 trẻ nhỏ, điều trị nội trú cho 1.700 trẻ. Trong số đó hầu hết đều là các bệnh nhi rất nặng: hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở oxy/ngày, trẻ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cũng có khoảng 70-80 ca…
Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện mà chúng tôi có cấy phân thì trong đó có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các căn nguyên lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.
Hầu hết các bệnh nhi nhập viện điều trị trong tình trạng có một trong các dụng cụ thiết bị y tế kèm theo. Với một đặc tính bệnh như vậy và chuyển đến từ rất nhiều tỉnh khác nhau, các bệnh viện khác nhau nên tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện còn rất cao. Do vậy, đây là một vấn đề cần được quan tâm và có chiến lược cụ thể."
Không chỉ thế, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng nhấn mạnh tác hại của thói quen tự ý cho con uống kháng sinh khi thấy xuất hiện các triệu chứng thường gặp như: sốt, tiêu chảy, ho,... thay vì cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đây cũng là một trong những thói quen thường gặp của nhiều gia đình.
“Với những bệnh nhân đã kháng kháng sinh, sau này mắc các bệnh nhiễm trùng thì rất khó điều trị, dễ nguy hiểm đến tính mạng, thời gian điều trị kéo dài, tiền viện phí lớn…”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Kháng sinh còn được gọi là trụ sinh, là những chất được chiết xuất từ các vi sinh vật, nấm, được tổng hợp hoặc bán tổng hợp, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu. Nó có tác dụng lên vi khuẩn ở cấp độ phân tử, thường là một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng phổ biến.
"Hiện nay nhiều nhóm vi khuẩn gram âm. Ngoài nhóm vi khuẩn đường ruột còn có những vi khuẩn gram âm khác. Ví dụ như trực khuẩn màu xanh nó kháng với các kháng sinh từ 60-80%. Đối với trường hợp bệnh nhân mắc các nhiễm khuẩn do vi khuẩn đề kháng thì đầu tiên là việc chuẩn đoán vì các kháng sinh còn lại bác sĩ có thể lựa chọn rất ít." PGS.TS Nguyễn Vũ Trung – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết.
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung cũng khẳng định không thể kiểm soát được việc mua và sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và sự tồn tại kháng sinh trong động vật và thủy sản sẽ dẫn đến các vi khuẩn trong cơ thể con người kháng kháng sinh. Hiện Bộ Y tế đã thiết lập hệ thống đánh giá kháng thuốc tại bệnh viện và đưa test kháng sinh vào đánh giá trước khi điều trị nếu nhiễm trùng do vi khuẩn thì mới sử dụng kháng sinh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng và cũng nguy hiểm như dịch COVID-19. Theo đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã coi tình trạng kháng thuốc kháng sinh là "một trong những mối đe dọa y học lớn nhất trong thời đại của chúng ta".
Vấn đề này có thể không cấp bách như đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới cả năm qua, nhưng nó cũng nguy hiểm không kém. Bởi, lạm dụng kháng sinh có nguy cơ làm thụt lùi tiến bộ y học, khiến thế giới trở lại thời kỳ y học cách đây một thế kỷ và khiến loài người không còn khả năng tự bảo vệ trước các bệnh nhiễm trùng mà ngày nay có thể dễ dàng chữa trị. WHO cũng cho rằng, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa an ninh lương thực, phát triển kinh tế và khả năng chống chọi với bệnh tật của thế giới. Theo WHO, kháng thuốc dẫn đến tăng chi phí điều trị, điều trị thất bại, bệnh nặng và có thể dẫn đến tử vong./.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn