Lạm dụng thuốc bổ gây hại cho bà bầu và thai nhi thế nào?

06:46 | 30/05/2018;
Mong muốn con được khỏe mạnh, thông minh và cũng cho rằng uống thuốc bổ “không bổ ngang cũng bổ dọc” nên nhiều phụ nữ khi vừa mang thai lập tức uống thuốc bổ một cách vô tội vạ. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc lạm dụng quá nhiều loại thuốc bổ có thể khiến bà bầu mệt mỏi, táo bón, tăng gánh nặng cho gan…
Không muốn con sinh ra nhẹ cân, lúc nào cũng trong tình trạng gần suy dinh dưỡng, lại còn quấy khóc như bé đầu... nên ngay khi biết mình có bầu lần thứ 2, chị Trần Thục Quyên (Thái Bình) đã đầu tư rất nhiều thuốc bổ, từ sắt, canxi đến acid folic, viên uống omega 3-6-9...
 
Không tiếc tiền đầu tư đã đành, nhưng việc phải uống quá nhiều loại trong khi đang nghén khiến chị luôn phải nhắm mắt nhắm mũi uống vì nghĩ rằng sau này, con sinh ra sẽ thông minh, khỏe mạnh, cao lớn vượt trội.
 
Thế nhưng, bổ đâu chưa thấy, chỉ thấy sau 2 tháng uống thuốc bổ, chị Quyên đã phải cầu cứu bác sĩ vì bị táo bón kéo dài, người mệt mỏi. Sau quá trình thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, chị Quyên bị thừa sắt và canxi do tự ý bổ sung quá liều.
 
Thực tế, hiện tượng thai phụ tự mua viên sắt, canxi, vitamine tổng hợp về uống khá phổ biến. Với tâm lý “phòng hơn chống”, uống vào chỉ có tốt chứ chẳng gây hại gì nên nhiều bà bầu đã uống quá nhiều, thậm chí quá liều các loại thuốc bổ này.
pregnancy-pills.jpg
 
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, với những phụ nữ mang thai, từ xưa người ta đã chia ra các giai đoạn từ quý 1, quý 2, quý 3, thời kỳ sau sinh. Đây là những thời kỳ hết sức quan trọng với sức khỏe của người mẹ và bào thai.
 
Trong mỗi giai đoạn của thai kỳ, thai nhi lại có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Do đó, nhu cầu bổ sung dinh dưỡng ở mỗi giai đoạn thai kỳ là khác nhau. Mục tiêu bổ sung dinh dưỡng, vitamine là để phù hợp với người phụ nữ mang thai, cần đâu sử dụng đến đó, tránh tình trạng thiếu hoặc thừa đều không tốt cho bà bầu và em bé.
 
Ví dụ, 3 tháng đầu của thai kỳ, uống canxi là không cần thiết bởi lúc này khung xương chưa phát triển, mới chỉ là giai đoạn phôi thai. Lúc này, chất quan trọng nhất là acid folic, ngăn ngừa các dị tật ống thần kinh và có đến 85% phụ nữ mang thai có biểu hiện ốm nghén, nên chỉ cần bổ sung acid folic và ăn gì để giảm tình trạng ốm nghén.
 
Việc bổ sung thừa canxi dễ khiến người mẹ bị táo bón, khô miệng, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi và nếu như người mẹ uống ít nước, lượng canxi và sắt dư thừa không đào thải được qua nước tiểu có thể bị sỏi đường tiết niệu...
 
Với các loại vitamine và khoáng chất khác cũng vậy, khi bà bầu sử dụng quá nhiều thuốc bổ sung, thừa sẽ gây mệt mỏi cho gan vì phải thải độc, tiêu hóa, gây căng thẳng thần kinh...
 
Đặc biệt, việc tự bổ sung sắt và canxi dạng uống không theo chỉ định của bác sĩ sẽ không kiểm soát được cơ thể đang thừa hay thiếu chất, dẫn đến những hiểm họa khôn lường. Ví dụ, thừa sắt làm tăng nồng độ sắt tự do trong máu thai nhi, tăng nồng độ huyết sắc tố trong máu người mẹ. Điều này cản trở quá trình tạo máu bình thường của thai nhi, dẫn đến tình trạng bị sinh non, thiếu cân...
 
Do đó, để đảm bảo sự phát triển tốt nhất của thai nhi cũng như hiệu quả của việc bổ sung các loại vitamine và khoáng chất, phụ nữ mang thai ngoài siêu âm cần đi khám thai định kỳ để được sử dụng thuốc, vitamine bổ sung phù hợp theo giai đoạn của thai kỳ. Bên cạnh đó, việc bổ sung dưỡng chất bằng chế độ ăn sẽ dễ kiểm soát và an toàn hơn bổ sung dạng thuốc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn