PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản Lý Khám, chữa bệnh cho biết: Quản lý tốt bệnh hen là một trong những ưu tiên của Chính phủ và ngành Y tế Việt Nam, thể hiện qua Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm 2015-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị Hen phế quản người lớn và trẻ em trên 12 tuổi", trong đó cảnh báo việc sử dụng thường xuyên hoặc quá mức thuốc cắt cơn có thể làm tăng nguy cơ nhập viện và gây tử vong cho người bệnh. Thực hành lâm sàng trong điều trị hen tại Việt Nam đã dần bám sát hướng dẫn này, nhưng để cải thiện bình diện của việc kiểm soát hen đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của cơ quan quản lý, các cơ sở khám chữa bệnh mà còn ý thức của cả cộng đồng.
Theo PGS. TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, dữ liệu sơ bộ thu thập tại nhà thuốc năm 2020 từ 14 tỉnh/thành phố ở Việt Nam cho thấy, có đến 68% bệnh nhân hen đã mua từ 3 bình thuốc cắt cơn trở lên trong năm vừa qua. Việc sử dụng 3 bình thuốc cắt cơn/năm có thể tăng gấp 2 lần nguy cơ nhập viện. Ngoài ra, lạm dụng thuốc cắt cơn hen có thể làm tăng phản ứng quá mức đường thở, giảm đáp ứng giãn phế quản, tăng nguy cơ tử vong.
"Nhiều bệnh nhân rất "gắn bó" với bình xịt cắt cơn hen vì nghĩ đây là cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng hen. Tuy nhiên, chỉ cần sử dụng thuốc cắt cơn quá 3 lần/tuần đã là dấu hiệu tăng nguy cơ của đợt hen cấp. Chúng tôi hy vọng người bệnh hen nhận ra việc phụ thuộc quá mức thuốc cắt cơn sẽ làm tăng nguy cơ lên cơn hen cấp, thậm chí có thể dẫn đến các hậu quả đáng tiếc mà chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được", PGS. TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan cho biết.
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã phối hợp khởi động Chương trình truyền thông "Bạn kiểm soát Hen hay Hen kiểm soát bạn" nhằm giúp nâng cao nhận thức cộng đồng trong kiểm soát hen tại Việt Nam. Chương trình đặt mục tiêu giúp người bệnh tự đánh giá nguy cơ phụ thuộc thuốc cắt cơn hen của mình một cách nhanh chóng chỉ với 6 câu hỏi trên trang web http://vilaphoikhoe.kcb.vn và fanpage https://www.facebook.com/vilaphoikhoe.
Ngoài ra, các hướng dẫn điều trị bệnh hô hấp trên hai kênh này giúp người bệnh tự trang bị kiến thức để kiểm soát bệnh hen tối ưu hơn và chủ động tìm đến bác sỹ để được chăm sóc phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn