Làm đường, khâu đột phá xây dựng nông thôn mới ở Pác Phai

11:18 | 13/11/2017;
Những hoạt động bền bỉ, thường xuyên trong cuộc vận động triển khai, xây dựng nông thôn mới tại thôn Pác Phai, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã mang đến nhiều thay đổi tích cực trong đời sống kinh tế, văn hóa tại địa phương.
Thôn Pác Phai, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể có 61 hộ, 250 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Nùng chiếm hơn 40%. Hưởng ứng cuộc vận động chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban phát triển thôn đã được thành lập với nhiệm vụ đến từng hộ tuyên truyền về công tác triển khai các chương trình hoạt động, giúp giao thông đi lại thuận lợi, sản xuất phát triển, người dân trong thôn đồng lòng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới.
 
Xác định đường giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quyết định để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, là cơ sở để thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới, nên cấp uỷ, chính quyền huyện Ba Bể, xã Thượng Giáo, thôn Pác Phai đã tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện. Trước đây, đường vào thôn rất nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất và giao thương của người dân. Đầu năm 2016, thôn được chính quyền đầu tư làm đường giao thông nông thôn. Pác Phai đã tổ chức họp thôn, bàn kế hoạch làm đường nối từ đường liên thôn Pác Phai - Nà Săm vào trung tâm thôn. Con đường có chiều dài 900m, rộng 3 - 3,5m, được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bà con trong thôn đã nhiệt tình hưởng ứng bằng các hoạt động: chủ động giải phóng mặt bằng, góp ngày công xây dựng… Toàn thôn đóng góp được 420 ngày công lao động. Nhiều hộ dân còn tự nguyện đóng góp hơn 1 triệu đồng/hộ để mở rộng tuyến đường dài hơn 1km nhằm thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Con đường góp phần thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa tại thôn Pác Phai
 
Để con đường được khang trang, to đẹp hơn, 17 hộ trong thôn đã tự nguyện hiến đất làm đường, với diện tích hiến lên tới gần 1000m2, trong đó có 750m2 đất ruộng và 200m2 đất đồi, đất vườn liền kề. Những tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường phải kể đến gia đình ông Hoàng Văn Sléo hiến 120m2 đất ruộng, đất ao cá; gia đình bà Triệu Thị Vân hiến 130m2 đất đồi, sân nhà… Nói về việc triển khai chương trình làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới, ông Hoàng Văn Thải, trưởng thôn cho biết: Nhờ có sự tuyên truyền, vận động của Ban phát triển thôn về sự tiện lợi khi con đường được bê tông hóa, phục vụ trực tiếp cho lợi ích của người dân nên bà con trong thôn đều đồng tình, ủng hộ, tự nguyện chung sức làm đường. Không chỉ có các hộ trong thôn hiến đất, nhiều hộ ở thôn khác có đất sản xuất tại thôn Pác Phai cũng tình nguyện đóng góp.
 
Đường làng, ngõ xóm được xây dựng sạch đẹp đã tạo đà cho các hoạt động kinh tế tại Pác Phai phát triển. Các hoạt động nông, lâm nghiệp đã được đầu tư, chú trọng qua việc sử dụng các giống cây trồng năng suất, chất lượng vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, tận dụng quỹ đất đồi để phát triển hồng không hạt, mận sớm, trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc. Cuộc sống của bà con trong thôn có nhiều chuyển biến, thu nhập bình quân đạt 10 triệu/người/năm, toàn thôn còn 14 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Hướng tới phát triển kinh tế hàng hóa, tăng giá trị kinh tế, tạo việc làm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của thôn, trong thời gian tới, bà con trong thôn Pác Phai sẽ triển khai thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn quả, với sản phẩm chủ lực là cây hồng không hạt, cây mận, cây chuối tây… giúp nâng cao đời sống, ổn định kinh tế.
 
Phong trào xây dựng làng văn hóa cũng được phát động trong thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2017, thôn Pác Phai có hơn 85% gia đình văn hóa, 100% trẻ em đến tuổi được đi học, công tác chăm sóc sức khỏe được người dân quan tâm, không có tệ nạn ma tuý.
 
Giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất ngày càng phát triển, người dân đồng lòng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới... những kết quả đã đạt được tại thôn Pác Phai, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể đã góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn mới nơi vùng cao, là tấm gương để các địa phương khác học tập và nhân rộng mô hình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn