Làm gì để bảo vệ mắt bị chói khi ra nắng?

08:11 | 09/09/2021;
Khi trở về nhà vào những ngày nắng nóng, rất nhiều người đột nhiên cảm thấy bị hoa mắt, nhìn thấy mọi thứ tối sầm lại. Vậy mắt bị chói khi ra nắng phải làm gì để khắc phục?

Cảm thấy mắt bị chói khi ra nắng là phản xạ rất bình thường của cơ thể. Tuy nhiên cảm giác bị hoa mắt, đôi khi kèm theo chảy nước mắt vào mùa hè với tần suất liên tục, thì vô cùng khó chịu; nếu không phòng tránh sẽ gây hại đến thị lực.

1. Thế nào là hiện tượng mắt bị chói khi ra nắng?

Để đôi mắt có thể nhìn thấy mọi vật, cần có ánh sáng. Thế nhưng, khi có lượng quá lớn ánh sáng đi vào mắt sẽ khiến mắt không kiểm soát được.

Cường độ ánh sáng là yếu tố quan trọng có thể giúp mắt dễ dàng quan sát hoặc gây cản trở. Cường độ ánh sáng quá lớn như là ánh nắng mặt trời khiến ta khó quan sát được gì, gây khó chịu và gây hại đến đôi mắt:

Lúc này, mắt của bạn sẽ bị chói, mà biểu hiện cụ thể là:

- Không thoải mái: khi bị chói mắt rất khó chịu, nhức mắt, nhức đầu, mắt phải nheo lại, có thể bị chảy nước mắt, phải nhìn tránh sang chỗ khác.

Mắt bị chói khi ra nắng, cần làm gì để phòng tránh? - Ảnh 1.

Sau khi bị chói vì ánh nắng, mắt sẽ bị đau và nhức mỏi - Ảnh: Internet

- Mất tầm nhìn: ánh sáng tán xạ trong mắt làm mắt không nhìn rõ được, tầm nhìn bị hạn chế, hơn nữa còn có thể làm tổn thương đến mắt.

Đôi mắt ban đầu sẽ cảm thấy khó chịu, nóng rát, tiếp xúc lâu hơn có thể bị ảnh hưởng thị lực, dần dần dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể, kết mạc bị thoái hóa, nguy hiểm hơn nữa là ung thư võng mạc

2. Lý giải nguyên nhân gây chói mắt của ánh nắng

Có nhiều loại tia sáng khác nhau trong tia sáng mặt trời bao gồm tia UV.

Tia UV (tia cực tím, tia tử ngoại) có bước sóng rất ngắn từ 100 - 400nm, tia sáng có bước sóng càng ngắn thì càng mang mức năng lượng cao. Tia UV có thể gây tổn thương lên cơ thể nếu tiếp xúc lâu, trước tiên là da và mắt.

Võng mạc của con người chứa các dây thần kinh rất nhạy cảm với ánh sáng. Ánh sáng cường độ mạnh có thể đốt cháy làm võng mạc bị bỏng, bị tổn thương. Sẽ nguy hiểm hơn nữa nếu trung tâm võng mạc - điểm vàng bị ảnh hưởng dẫn đến mắt bị mờ, khó phục hồi lại, mất thị giác.

Khi gặp trời nắng chói, nắng gắt, mắt sẽ có phản xạ nheo lại, nhìn đi chỗ khác. Mí mắt và tròng mắt sẽ thay đổi tùy theo điều kiện ánh sáng để điều chỉnh, kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt khi quan sát, nhìn rõ hơn.

Mắt bị chói khi ra nắng, cần làm gì để phòng tránh? - Ảnh 2.

Mắt bị chói khi ra nắng - Ảnh: Internet

Nếu có ánh sáng chói, nắng gắt chiếu tới, con ngươi (đồng tử) sẽ thu lại để hạn chế lượng ánh sáng đi vào mắt. Nếu ở bóng râm hay nơi thiếu ánh sáng thì ngược lại, đồng tử sẽ giãn ra để nhận được nhiều ánh sáng nhất mới có thể quan sát được.

Trên thực tế, nhiều người bảo vệ da rất cẩn thận khi ra ngoài nắng nhưng đôi mắt cũng cần được chú ý chăm sóc. Mắt có thể bị bỏng và nhiều tổn thương khác khi bị nắng chiếu vào trong thời gian dài.

Chính vì thế, khi vừa đi ngoài trời nắng vào trong nhà, điều kiện ánh sáng vô cùng trái ngược nên con người thay đổi đột ngột khiến bạn bị hoa mắt.

Một số bệnh có thể khiến cho tình trạng chói mắt nặng hơn như là: đau đầu, đau nửa đầu, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc đái tháo đường, viêm võng mạc sắc tố, viêm dây thần kinh mắt, u nguyên bào võng mạc...

3. Cần làm gì để phòng tránh hiện tượng mắt bị chói khi ra nắng?

Những thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể giúp bạn hạn chế tình trạng chói mắt khi đi ra ngoài trời nắng.

Có nhiều cách đơn giản bạn chỉ cần chú ý một chút thôi để bảo vệ đôi mắt của mình khỏe mạnh hơn. Hãy kết hợp các phương pháp dưới đây:

3.1. Vệ sinh mắt hàng ngày

Mắt rất nhạy cảm nên ngày nào cũng nên được vệ sinh sạch sẽ để không bị nhiễm khuẩn, mắc bệnh. Nhưng những ngày hè nắng nóng, cơ thể dễ mệt mỏi, có nhiều mồ hôi hơn, vi khuẩn cũng dễ sinh sôi hơn có thể khiến bạn bị mắc viêm kết mạc cấp.

Vậy nên cần vệ sinh mắt sạch sẽ hàng ngày chỉ đơn giản bằng nước sạch, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý thêm nếu cần, tránh để mắt bị khô và ngăn vi khuẩn

Cùng với đó là rửa tay bằng xà phòng, ít dụi tay vào mắt hay dụi mắt vào quần áo bẩn, tắm rửa thường xuyên giữ cơ thể sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát, môi trường sống cũng phải sạch, không có ẩm mốc,..

Ngoài ra, nếu bạn trang điểm nên tẩy trang và chăm sóc đúng cách: dùng dung dịch tẩy trang, sữa rửa mặt, nước hoa hồng. Tẩy trang qua loa, không đúng cách không những để vi khuẩn đọng lại làm hại tới mắt mà da của bạn cũng sẽ xấu đi.

3.2. Luôn đeo kính râm, đội mũ khi ra ngoài trời nắng

Khi gặp ánh nắng chói mắt phải nheo lại, rất khó chịu, không đủ bảo vệ mắt mà còn tạo các vết nhăn trên mặt.

Đeo kính râm là giải pháp tốt nhất trong trường hợp này, giúp bảo vệ mắt trước tia UV. Kính râm tiêu chuẩn càng cao càng ngăn chặn được nhiều tia UV hơn. Loại kính râm tiêu chuẩn tốt nhất có thể ngăn cản hoàn toàn tia UV với mắt.

Từ tác dụng đó, việc đeo kính mát sẽ giúp giảm nhức đầu, nhức mắt khi ra nắng, an toàn hơn khi đi đường, lái xe, chống lão hóa mắt, ung thư mắt. Hơn nữa kính râm còn là phụ kiện thời trang giúp bạn thêm nổi bật.

Mắt bị chói khi ra nắng, cần làm gì để phòng tránh? - Ảnh 3.

Đeo kính râm và đội mũ để phòng tránh hiện tượng mắt bị chói khi ra nắng - Ảnh: Internet

Nên chọn loại kính đạt chuẩn, đảm bảo để có sự bảo vệ và hiệu quả tốt nhất, tránh dùng kính kém chất lượng ngược lại còn gây hại cho mắt.

Lưu ý là dù trời không nắng thì vẫn có tia UV chiếu xuống nên bạn hãy sử dụng kính mát mỗi khi đi ra ngoài trời khi có thể.

Đội mũ, che nắng cẩn thận hẳn là việc nên làm để giảm bớt sức nóng của mặt trời, tránh nhức đầu, say nắng, tránh bị cháy nắng đồng thời cũng là để bảo vệ mắt. Kết hợp với việc đeo kính râm sẽ đem lại hiệu quả tối ưu cho bạn trong ngày hè.

3.3. Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt

Ngoài bảo vệ mắt từ bên ngoài còn cần tăng cường cho mắt từ bên trong. Mắt bị mỏi, khô, thiếu dinh dưỡng sẽ suy yếu, dễ bị bệnh.

Trong khẩu phần ăn hàng ngày cần đầy đủ vitamin A, C, DHA tốt cho mắt. Ăn nhiều các loại thực phẩm: cá, bơ, trứng, sữa, rau xanh, cà rốt, cam, chanh, đu đủ,.. giúp cải thiện thị lực, tránh khô mắt, chậm quá trình lão hóa.

Các loại đậu và rau xanh có chứa bioflavonoids và giàu chất chống oxy hóa sẽ bảo vệ võng mạc và một vài bệnh về mắt được ngăn ngừa.

Không sử dụng các chất kích thích, có hại như bia, rượu, thuốc lá.

3.4. Chú ý thời gian nghỉ ngơi đầy đủ

Nghỉ ngơi đúng cách, ngủ đủ giấc chính là cách chăm sóc mắt tốt nhất. Trong ngày nắng nóng chịu nhiều tác động tiêu cực, mắt cần nghỉ ngơi để nhanh chóng có được trạng thái tốt. Mùa hè với những chuyến du lịch, dã ngoại cũng có thể làm đảo lộn sinh hoạt thường ngày của bạn, hãy cố giữ được cách sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý.

Chất lượng giấc ngủ tốt sẽ cho bạn một cơ thể, tinh thần sảng khoái, đôi mắt khỏe mạnh. Nên giường ngủ và phòng ngủ là nơi rất quan trọng, cần phải gọn gàng, sạch sẽ, thoải mái, êm ái, nhiệt độ phòng cũng là điểm quan trọng giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Ngủ đủ giấc và không thức khuya, dù bạn ngủ thêm vào hôm sau thì vẫn không thể bù đắp những mệt mỏi mà cơ thể chịu đựng khi ngủ muộn. Ngủ sớm, dậy sớm, để cho mắt thư giãn và phóng tầm mắt ra xa khi ánh sáng còn nhẹ nhàng, hít thở không khí mang lại một cảm giác hứng khởi, tinh thần tốt cho ngày mới.

Và để tránh nắng thì hơn hết trong ngày nắng gắt bạn nên hạn chế ra ngoài nhất có thể, đặc biệt là khoảng thời gian giữa trưa, rộng hơn là từ 10h - 16h.

3.5. Đắp mặt nạ cho mắt

Mắt bị chói khi ra nắng, cần làm gì để phòng tránh? - Ảnh 4.

Đắp mặt nạ để phục hồi mắt tốt hơn - Ảnh: Internet

Đắp mặt nạ riêng cho mắt là điều rất tốt. Sau cả ngày hoạt động, làm việc mệt mỏi, sử dụng nhiều điện thoại, máy tính, đắp mặt nạ giúp thư giãn và mắt phục hồi tốt hơn. Nên giữ thói quen dùng mặt nạ mắt từ 1 đến 2 lần/tuần.

Có thể mua mặt nạ dưỡng chất cho mắt nhưng cũng có thể dùng các nguyên liệu có sẵn đơn giản. Đắp bằng bã trà xanh ấm, dưa chuột, củ đậu lát mỏng,... ngay cả khi chỉ cần dùng bông gòn thấm nước ấm cũng đem lại hiệu quả đáng mong đợi.

Nếu mắt bạn bị nhạy cảm với các nguồn sáng hay cảm thấy mắt bị chói khi ra nắng với tần suất liên tục, hãy áp dụng các biện pháp trên để bảo vệ cửa sổ tâm hồn của mình.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn