Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Trong 5 năm qua, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn cả nước xảy ra 6.686 vụ xâm hại trẻ em, với 8.930 đối tượng, xâm hại 8.146 em.
Thống kê hàng năm cho thấy, số vụ xâm hại tình dục trẻ em của các tỉnh phía Nam chiếm gần 30% so với tổng số vụ cả nước. Đối tượng xâm hại trẻ em phấn lớn chưa có tiền án, tiền sự, các đối tượng đa số là người có quan hệ gần gũi với nạn nhân. Đặc biệt, gần đây nổi lên tình trạng là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch đã có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, kể cả trẻ em nam.
Không khí sự kiện truyền thông diễn ra sôi nổi ngay cả trong tình hình thời tiết không ngớt mưa. Tại đây, các em nhỏ và phụ huynh học sinh được giao lưu với các diễn giả, các cán bộ Hội nhằm giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em.
Chị Lưu Thị Vân Anh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đặt câu hỏi cho chương trình: Nếu con bị xâm hại tình dục thì nên đưa con đi khám tại đâu?
Bà Đặng Hương Giang, Phó Ban Tuyên Giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tư vấn: Trước tiên phụ huynh phải có thái độ bình tĩnh để có những ứng xử phù hợp, từ đó trấn an con. Trường hợp nếu bé bị tổn thương phải đưa bé đến tại các trạm y tế để tạo sự an tâm cho bé. Phải trình báo với công an để không có sự tiếp diễn, ngăn chặn kịp thời với bản thân con em của chúng ta và những trẻ nhỏ khác.
Em Hồ Thị Thảo Sương, lớp 11/9 trường THPT Tân Quới, Bình Tân thắc mắc: Làm cách nào để chứng minh cho người thân biết đó là kẻ xâm hại tình dục trẻ em khi mà người đó rất khôn khéo?
Xoay quanh vấn đề này, bà Hồ Huỳnh Tuyết Huệ - nguyên Trưởng Ban Văn hóa Xã hội – HĐND tỉnh Vĩnh Long - đã tư vấn: Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lí để con mình ổn định hơn. Nếu cha mẹ không tin khi con mình kể chuyện bị xâm hại tình dục bởi người xấu giỏi che giấu thì tốt nhất trẻ em nên kể với những người mà em tin tưởng nhất như cha mẹ, ông bà, người thân.
Một trong những vấn đề được đông đảo phụ huynh quan tâm là yếu tố “tự nguyện” trong xâm hại tình dục trẻ em. "Yếu tố tự nguyện không có giá trị vì đối tượng bị xâm hại là trẻ em, là người chưa có ý thức phòng vệ. Điều này được quy định cụ thể trong Bộ Luật Hình sự, đặc biệt xâm hại đối với trẻ em dưới 13 tuổi", diễn giả Tuyết Huệ cho biết.
Ngoài ra, các phụ huynh và học sinh còn đặt ra nhiều câu hỏi như: Định hướng lồng ghép chống xâm hại tình dục vào trong nhà trường; khi trẻ bị xâm hại tình dục thì cần làm gì để con không bị tổn thương; làm thế nào để vượt qua nỗi xấu hổ để thông báo cho người thân biết; một số biện pháp cụ thể trong nhà trường; trẻ con liệu có chóng quên việc bị xâm hịa tình dục…
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh còn được đưa ra các cách ứng xử trong tình huống giả định do Ban tổ chức đưa ra…
Với thông điệp "Hãy yêu thương và bảo vệ cơ thể con", chương trình đã trang bị kiến thức giúp phụ huynh và trẻ em nhận diện các loại tội phạm xâm hại trẻ em; cách xử lý khi gặp phải loại hình tội phạm này; nâng cao hiểu biết pháp luật cho gia đình, nhà trường, cộng đồng các cơ quan truyền thông về xâm hại tình dục trẻ em; đồng thời đẩy mạnh tương tác tìm hiểu vướng mắc thực tế trong quá trình xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đưa ra hướng điều chỉnh hiệu quả.