Làm gì để thu hút lao động di cư tham gia BHXH tự nguyện?

16:36 | 23/11/2018;
Theo thống kê, cả nước có khoảng 40 triệu lao động khu vực phi chính thức; trong khi đó người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đạt khoảng 250 ngàn người. Thực tế đang diễn ra, còn nhiều rào cản khiến người lao động di cư chưa mặn mà tham gia BHXH, BHYT để đảm bảo an sinh, cuộc sống bền vững.

Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam, đến tháng 11/2018, tổng số người tham gia BHXH là 14,56 triệu người; trong đó, BHXH bắt buộc 14,31 triệu người, đạt 97,7% kế hoạch năm.

Bảo hiểm thất nghiệp 12,24 triệu người (đạt 95,2% kế hoạch năm); BHYT 82,38 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,7% dân số.

Riêng BHXH tự nguyện đạt 254 nghìn người (đạt 76,6% kế hoạch năm). Theo thống kê, cả nước có khoảng 40 triệu lao động khu vực phi chính thức; trong khi đó người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ cho thấy dư địa để tăng đối tượng tham gia BHXH còn rất dồi dào.

Tại Hội thảo chia sẻ kết quả Nghiên cứu “Đóng góp của lao động di cư trong nước vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam” mới đây, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng LIGHT- cơ quan điều phối mạng lưới M.net (Mạng lưới Hành động vì Lao động Di cư), khẳng định: Lao động di cư còn hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội. Trên thực tế hiện nay, để đảm bảo quyền lợi tiếp cận, thụ hưởng an sinh xã hội cần cơ sở pháp lý chính là hợp đồng lao động bằng văn bản.

Tuy nhiên phần lớn người lao động di cư như người giúp việc gia đình, công nhân của các công trình xây dựng, lái xe Grap… lại rất thờ ơ với chính quyền lợi của mình.

Một mặt khác, theo bà Nguyễn Thu Giang, hiện nay vẫn đang duy trì cách quản lý rất cổ điển là bằng con người, địa chỉ cụ thể thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong khi người di dịch cư luôn có sự biến động và nhiều loại hình quản lý lao động mới xuất hiện nhờ công nghệ (như Grap)… Chính điều này cũng tạo ra rào cản để người lao động “bỏ qua” vấn đề an sinh, tham gia BHXH.

Bà Nguyễn Thu Giang cho biết: Những năm gần đây, chính sách BHYT khá là mở dành cho người lao động di cư. Có những quy định giúp họ tiếp cận chính sách an sinh này dễ dàng, thuận tiện hơn, như việc mua BHYT, hoặc chuyển địa điểm khám chữa bệnh BHYT ban đầu…

tu-van-bhxh.jpg
Tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho lao động di dịch cư (ảnh minh họa)

 

Tuy nhiên, thự tế triển khai những chính sách này vẫn còn những khó khăn để tạo sự thuận lợi tối đa cho lao động di cư tiếp cận với các chính sách an sinh này. Lao động di cư vướng nhất chính là hộ khẩu và đăng ký tạm trú; nhưng ở không ít địa phương vẫn đòi hỏi những loại giấy tờ này mới được mua BHYT, khiến lao động di cư khó tiếp cận hơn.

Cùng với đó, người lao động di cư phải chịu thiệt thòi, các chế độ thụ hưởng BHYT thấp hơn khi họ khám chữa bệnh tại di dịch cư so với nơi họ đăng ký.

Mặt khác, người lao động di cư thường xuyên làm việc trong điều kiện không đảm bảo; nên họ rất cần các chế độ thụ hưởng BHXH là thai sản, ốm đau, tai nạn lao động thì BHXH tự nguyện lại không có như BHXH bắt buộc. Vì lý do này, nhiều năm qua BHXH tự nguyện kém hẫp dẫn lao động di cư tham gia.

Phần lớn người lao động di cư đã có tuổi, nên quy định về thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hiện nay kéo dài, kiến loại hình này chưa thu hút được họ. Cùng với đó, tỷ lệ đóng hiện nay vẫn cao so với thu nhập chung của người lao động di cư.

Cùng với việc từng bước khắc phục được những rào cản nêu trên; theo bà Hương Giang, cần có sự phối hợp tổng thể trong vận động, tuyên truyền, giám sát chính sách pháp luật liên quan; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức của lao động di cư tham gia các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống bền vững của chính mình.

Tại Hội nghị trực tuyến về phát triển đối tượng và giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2018, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn, đảm bảo an sinh khi về già cho nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức.

Từ năm 2018, Nhà nước đã có mức hỗ trợ từ 10-30% cho một số nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong thời gian tới, chính sách này sẽ có những thay đổi linh hoạt hơn nữa trong việc đóng - hưởng và mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện từ phía Nhà nước sẽ tiếp tục được tăng lên...

Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định: Ngành BHXH phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Minh cũng yêu cầu BHXH các địa phương, ngoài việc tăng cường truyền thông, vận động, phải đảm bảo mở rộng, và vận hành có hiệu quả hệ thống các đại lý thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tới từng xã, phường tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu để vận động các đối tượng tham gia chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, không phải để người dân, người lao động phải tự tìm đến với ngành BHXH.

bhxh-tu-nguyen.jpg
Đến tháng 11/2018, tổng số người tham gia BHXH là 14,56 triệu người
 

Theo BHXHVN, đến tháng 11/2018 có khoảng 3,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.

Giải quyết 743.418 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 7.024.189 lượt người hưởng chế độ ốm đau; 1.699.613 lượt người hưởng chế độ thai sản; 318.675 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

Trong 11 tháng đầu năm giải quyết 161,14 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn