Làm gì để y tế cơ sở tạo được sự tin tưởng của người dân?

16:30 | 12/08/2018;
Hệ thống trạm y tế cơ sở đang còn nhiều bất cập, nhiều khó khăn để đáp ứng yêu cầu là nơi phát hiện bệnh, chăm sóc ban đầu cho sức khỏe người dân.

Tại phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới cơ sở y tế, do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, nhiều đại biểu nhận định, y tế cơ sở được coi là xương sống, là người gác cổng giữ vai trò điều tiết trong hệ thống y tế, là nơi tiếp cận đầu tiên, phát hiện, quản lý, theo dõi và chăm sóc ban đầu với chi phí thấp nhất nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ cho nhân dân.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có một thực tế là nhiều trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, đủ cả bác sĩ, dược sĩ, hộ sinh, y học cổ truyền nhưng hàng ngày chỉ tiếp đón số ít người đến khám bệnh trong khi có trạm y tế nhà cửa xiêu vẹo, có đủ cán bộ chuyên môn nên hàng ngày vẫn tiếp đón hàng trăm bệnh nhân.

Ông Nguyễn Văn Tiên cho biết: Qua tham khảo thực tế, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhà nước đã đầu tư nguồn kinh phí, nhân lực cho y tế xã nhưng thiếu cơ chế thúc đẩy động lực để y tế xã làm việc có hiệu quả. Thứ hai, việc khám chữa bệnh BHYT còn vướng mức trần 20%. Thứ ba, theo báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, khoảng 31% trường hợp khám bệnh ở tuyến Trung ương có thể giải quyết ở tỉnh; 41% khám chữa bệnh ở tỉnh có thể làm ở huyện… Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định pháp lý để bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh hạn chế nhận khám chữa bệnh thông thường thuộc tuyến dưới.

y-te-co-so-2.jpg
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới cơ sở y tế

 

Tại phiên giải trình, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở tồn tại những vướng mắc. Cụ thể, chính sách khám chữa bệnh thông tuyến làm giảm số người bệnh đến khám chữa bệnh tại Trạm y tế xã. Bên cạnh đó, chính sách tự chủ tài chính bệnh viện thúc đẩy các bệnh viện thu dung người bệnh, không phụ thuộc bệnh đó có thể điều trị tại tuyến nào; không có quy định nhằm hạn chế khám chữa bệnh thông thường tại các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, việc quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn do năng lực chuyên môn của nhân viên y tế tại tuyến cơ sở chưa tạo được sự tin tưởng của người dân.

Theo BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2010-2014, số lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã tăng qua các năm, với tỉ lệ gia tăng bình quân 4%. Chi phí khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã có xu hướng gia tăng; còn chi phí KCB BHYT tại tuyến huyện tăng rất mạnh, trong đó, năm 2016 gấp rưỡi năm 2015, năm 2017 gấp hơn hai lần năm 2015.

 Hệ thống y tế cơ sở phát triển, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được tăng cường; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh, chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc còn bất cập; tình trạng chỉ định quá mức dịch vụ kỹ thuật diễn ra khá phổ biến tại các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là việc kê thêm giường, kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định thuốc...

Để thúc đẩy sự phát triển y tế cơ sở, theo TS Nguyễn Văn Tiên, cần đề nghị Quốc hội sửa Luật BHYT để cho phép Quỹ BHYT chi trả những dịch vụ về quản lý sức khỏe, chăm sóc sức khỏe – những nhiệm vụ rất thiết yếu và gần dân của trạm y tế xã; ví dụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho một số đối tượng như người cao tuổi thì quỹ BHYT không chi trả.

Thứ 2, cần phải sửa đổi cơ chế tài chính cho phép y tế xã được cung cấp các dịch vụ y tế theo quy định của Thông tư 39 của Bộ Y tế và Quỹ BHYT chi trả cho những dịch vụ đó ở tuyến xã. Qua đó tạo điều kiện tạo động lực cho y tế xã bằng các cơ chế sẽ phát triển; hoặc tạo điều kiện để y tế xã hợp tác với phòng khám tư để y tế xã phát triển được tiềm năng.

y-te-co-so-1.jpg
Toàn cảnh phiên giải trình về Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới cơ sở y tế

 

Năm 2017, có 61% số lượng thẻ BHYT được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở; năm 2018, có 71% thẻ BHYT được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, tăng 10% so với năm 2017.

Năm 2017, số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là 2.167, trong đó có 1.243 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, 239 y tế cơ quan và gần 10.000 trạm y tế xã.

Năm 2018, số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là 2.316, trong đó có 1.407 cơ sở KCB tuyến huyện, 211 y tế cơ quan và gần 10.000 trạm y tế xã.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn