Làm gì khi ăn phải ớt bột nhiễm độc tố gây ung thư?

19:17 | 18/05/2018;
Làm sao để không ăn phải ớt bột nhiễm Aflatoxin? Nếu chẳng may ăn phải ớt bột nhiễm Aflatoxin thì có sao không? Các chuyên gia khuyên người dân cần vứt bỏ thực phẩm mốc, tránh tiếc của mà rửa lại rồi nấu; cần tiêm ngừa viêm gan siêu vi B.
Ớt bột đã phơi khô vẫn bị nhiễm nấm mốc
Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo phát hiện nhiều ớt bột trên thị trường nhiễm Aflatoxin (chất có nguy cơ gây ung thư) vượt ngưỡng cho phép, chị Nguyễn Thị Thu Hà (phố Trần Nhân Tông, Hà Nội) cho biết, chị sẽ đi mua ớt tươi thay vì sử dụng bột ớt khô như trước đây. Bởi lẽ, gần như ngày nào, gia đình chị cũng dùng ớt để chế biến món ăn. Còn với chị Lê Thị Hương (Q.Ba Đình, Hà Nội), dù gia đình ít khi sử dụng ớt để ăn hay chế biến món ăn thì tâm lý vẫn hết sức lo ngại.
 
Aflatoxin là độc tố vi nấm sinh ra khi sản phẩm, thực phẩm bị mốc. Aflatoxin là một loại nấm mốc, được xem là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan.
ot-bot-ung-thu-2-2277-1526559134.jpg
Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm tra mẫu ớt bột tại nhiều tỉnh thành trên cả nước - Ảnh: Bộ NN&PTNT
Về nguyên nhân các sản phẩm ớt bột có độc tố vi nấm Aflatoxin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh ớt bột khô ở quy mô hộ gia đình, điều kiện chế biến, bảo quản không đảm bảo. Người sản xuất, kinh doanh thiếu hiểu biết về quy trình sản xuất, bảo quản để không tạo độc tố; một số địa phương có độ ẩm cao, mưa nhiều, không có thiết bị sấy, chủ yếu phơi tự nhiên, bao gói sơ sài.
 
Về quá trình sản sinh độc tốc aflatoxin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) giải thích, thực phẩm khi được phơi khô thì ánh mặt trời, nhiệt độ sẽ tiêu diệt nấm mốc và bào tử nấm. Tuy nhiên, sự triệt tiêu này không bao giờ được 100%, một phần bào tử nấm sẽ “ngủ đông” ở trong các thực phẩm. Khi các sản phẩm được đóng túi, cho vào kho bảo quản, với thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam, các sản phẩm sẽ hút ẩm, bào tử nấm “sống lại”, phát triển thành nấm mốc và sản sinh aflatoxin.
 
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết, ở những thực phẩm nhiều dầu, có thành phần protein cao như ngô, gạo, lạc, đỗ tương, ớt… đều dễ bị nấm mốc và xuất hiện độc tố aflatoxin.
photo-1-1513741483574.jpg
Các thực phẩm nhiều dầu, protein cao như ngô, gạo, lạc, đỗ tương, ớt… đều dễ bị nấm mốc và xuất hiện độc tố aflatoxin
Nấm mốc Aflatoxin không tiêu hủy ở nhiệt độ cao
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, rất hiếm trường hợp tử vong ngay lập tức khi ăn các thực phẩm nhiễm số lượng lớn Aflatoxin. Mà khi sử dụng thực phẩm mốc có độc tố aflatoxin thì ngộ độc trường diễn, từ từ, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là tích tụ dần dần trong gan, lâu dần gây ra tình trạng ung thư gan.
 
“Nếu người dân nghĩ đến việc dùng nhiệt độ cao để khử aflatoxin thì hoàn toàn sai lầm. Aflatoxin hoàn toàn không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, dù rang, nấu ở nhiệt độ trên 200 độ C”, PGS Thịnh cảnh báo.
 
Nhiều người có thói quen chà sạch nấm mốc ở lạc (đậu phộng), đậu, phơi khô rồi đem dùng lại. Tuy nhiên, cách làm này không giúp loại bỏ độc tố.
ot-bot-gay-ung-thu-bb-baaads1tzg.jpg
Độc tố aflatoxin trong ớt bột không quá cao, hiếm khi gây tử vong ngay lập tức mà ảnh hưởng từ từ đến nhiều bộ phận trong cơ thể
Do đó, PGS Thịnh cho biết, lời khuyên tốt nhất cho người nông dân, buôn bán các thực phẩm, trong đó có ớt khô, cần phải sấy khô sản phẩm theo tiêu chuẩn và bảo quản ở nhiệt độ, môi trường đảm bảo, có thời hạn sử dụng rõ ràng cho sản phẩm.
 
Còn người tiêu dùng, khi phát hiện sản phẩm mốc thì nên đổ bỏ chứ không nên rửa, đun nấu, sử dụng lại. Vì độc tố aflatoxin sẽ không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, ăn các sản phẩm mốc rất nguy hại cho sức khỏe.
 
Ngoài ra, để phòng tránh trường hợp ăn phải thực phẩm nấm mốc mà không hay biết, PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - khuyên người dân cũng cần tiêm ngừa viêm gan siêu vi B để ngừa tác động phối hợp giữa Aflatoxin và viêm gan siêu vi B trong ung thư tế bào gan.
Chiều 17/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo đã phát hiện 95/262 mẫu ớt bột tại 11 tỉnh, thành có dư lượng Aflatoxin (chất có nguy cơ gây ung thư) vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể, Bộ lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất, chợ dân sinh, siêu thị tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; TPHCM, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước.
Trong đó, hơn 30% số mẫu tại cơ sở sản xuất, kho bảo quản; tại hộ kinh doanh trong chợ chiếm trên 48% và tại siêu thị chiếm hơn 21%.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn