Mũi có các mạch máu nằm sát bề mặt trước và sau mũi. Các mạch máu này rất mỏng manh nên dễ vỡ rất tới chảy máu gọi là chảy máu cam (tên khác là chảy máu mũi - tiếng Anh là epistaxis).
Chảy máu cam là tình trạng mất máu từ mô bên trong mũi do mạch máu trong mũi bị tổn thương hoặc vỡ dẫn tới mất máu từ mô mũi.
Khoảng 60% mọi người đều trải qua ít nhất một lần bị chảy máu cam trong đời, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Nhưng có một số nhóm người dễ bị chảy máu cam hơn những người khác, bao gồm:
- Trẻ từ 3 - 10 tuổi: Chảy máu cam do không khí khô, cảm lạnh, dị ứng, dị vật, thói quen ngoáy mũi
- Người lớn từ 45 - 80 tuổi: Do máu có thể mất nhiều thời gian để đông lại hơn ở tuổi trung niên và lớn tuổi. Nhóm này cũng gia tăng nguy cơ chảy máu cam do hệ quả của các bệnh như huyết áp cao, xơ vữa động mạch hoặc bệnh ưa chảy máu (bleeding disorder - một rối loạn di truyền là kết quả của một thay đổi về gen được di truyền từ cha mẹ của trẻ hoặc xảy ra trong quá trình phát triển trong tử cung)
- Phụ nữ mang thai: Do các mạch máu trong mũi bị giãn nở nhiều hơn trong quá trình mang thai, khiến áp lực lên mạch máu gia tăng, hệ quả là phụ nữ mang thai dễ bị chảy máu cam hơn
- Người đang dùng thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn chặn/giảm sự đông máu và kéo dài thời gian hình thành cục máu đông bao gồm aspirin và warfarin
- Người bị rối loạn đông máu bao gồm bệnh máu khó đông và bệnh Von Willebrand (sự thiếu hụt số lượng hoặc bất thường chức năng của yếu tố von Willebrand (VWF) di truyền, gây rối loạn chức năng tiểu cầu; bệnh thường có xu hướng chảy máu nhẹ).
Có hai loại chảy máu cam phổ biến là chảy máu mũi trước (Anterior nosebleed) và chảy máu mũi sau (Posterior nosebleed).
Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam. Chảy máu cam đột ngột hoặc không thường xuyên thường hiếm khi là một vấn đề y tế nghiêm trọng.
Không khí khô là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu cam vào mùa lạnh, đặc biệt nếu gia đình có sử dụng máy sưởi mà không chú trọng tới việc bù ẩm khiến các mô bên trong mũi bị khô, mạch máu ở vách ngăn mũi bị tổn thương dẫn tới vỡ và chảy máu cam. Mũi bị khô cũng có thể do thói quen xì mũi thường xuyên và mất nước ở người bị viêm mũi dị ứng. Hoặc triệu chứng hắt hơi nhiều lần (mạnh) cũng có thể khiến mũi chảy máu.
Thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi có tác dụng làm khô dịch tiết mũi, kiểm soát và làm dịu các triệu chứng viêm xoang mũi dị ứng theo mùa nhưng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm khô mũi và tổn thương mạch máu ở mô mũi. Điều này cũng bao gồm cả việc sử dụng corticosteroid dạng xịt mũi không đúng cách cũng có thể gây chảy máu cam.
Có một vài tác nhân vật lý và các chất kích thích từ môi trường bên ngoài cũng có thể khiến người viêm mũi dị ứng bị chảy máu cam. Chẳng hạn như ngoáy mũi, xì mũi, bụi, phấn hoa... cũng gián tiếp là nguyên nhân gây kích thích và dị ứng mũi và dẫn tới chảy máu cam.
Nguyên nhân gây chảy máu cam ngoài viêm mũi dị ứng thì có một số nguyên nhân phổ biến và ít phổ biến sau:
- Nguyên nhân phổ biến gây chảy máu mũi: dị vật kẹt trong mũi, chất kích thích hóa học, chấn thương mũi, ngoáy mũi, suy hô hấp cấp, dùng liều lớn aspirin
- Các nguyên nhân ít phổ biến gây chảy máu cam bao gồm: huyết áp cap, rối loạn đông máu, bệnh ưa chảy máu, bệnh ung thư.
Điều trị chảy máu cam thường khá đơn giản, cần khoảng vài phút. Lưu ý không nằm xuống khi đang cố gắng cầm máu mũi do chảy máu cam bởi nằm xuống có thể khiến máu trôi xuống họng và kích ứng dạ dày.
- Người lớn
+ Bước 1: Ngồi xuống từ từ, đầu hơi nghiêng về phía trước rồi túm chặt đầu mũi
+ Bước 2: Trong khi thở bằng miệng thì bạn giữ tay bóp mũi trong 10 - 15 phút. Sau đó kiểm tra xem máu đã ngừng chảy chưa. Nếu máu chưa ngừng chảy, hãy bóp đầu mũi thêm 10 phút nữa.
+ Bước 3: Trong khi máu đã ngừng chảy, bạn cần tránh xì mũi hoặc xịt bất kì thuốc chống dị ứng nào thêm trong vài ngày.
- Trẻ em
Với trẻ nhỏ, sau khi kiểm tra xem có dị vật trong mũi không thì các bước cầm chảy máu cam ở trẻ cũng tương tự như ở người lớn. Lưu ý là không nhét khăn giấy hay bông vải vào mũi để cầm máu. Cách giúp máu ngừng chảy tốt nhất là bóp chặt mũi của trẻ.
- Nếu máu không ngừng chảy
Nếu máu cam không ngừng chảy và kéo dài trên 30 phút thì bạn cần nhanh chóng di chuyển tới cơ sở y tế để được chăm sóc chuyên sâu và tìm kiếm nguyên nhân chính xác.
Để ngăn ngừa chảy máu cam do viêm mũi dị ứng, điều đầu tiên chính là xác định bất kì yếu tố nào có thể kích thích bạn bị chảy máu cam. Chẳng hạn nếu bạn bị chảy máu cam do độ ẩm thấp, không khí khô lạnh thì cần bù ẩm cho không khí trong phòng và sử dụng khăn ấm, khẩu trang để làm ấm không khí trước khi hít vào.
Nếu bạn bị viêm mũi dị ứng và sử dụng thuốc xịt mũi, hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng đúng theo hướng dẫn sử dụng. Xịt thuốc bắt đầu từ giữa mũi với hướng đầu xịt lên trên về phía tai - cùng phía đầu với lỗ mũi mà bạn đang xịt.
Người bị viêm mũi dị ứng cũng nên hạn chế xì và ngoáy mũi bởi ở mức độ nào thì mạch máu trong mũi cũng có thể bị tổn thương và dẫn tới chảy máu cam.
Nếu bạn bị chảy máu cam thường xuyên hoặc gặp khó khăn trong việc cầm máu, bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để kiểm tra sức khỏe của mình. Với trường hợp bị chảy máu mũi sau, máu sẽ có xu hướng chảy xuống họng - dù ít phổ biến hơn nhưng loại chảy máu cam này thường nghiêm trọng hơn và bạn không nên tự điều trị chảy máu mũi sau tại nhà mà cần ngay lập tức tới gặp bác sĩ.
Bác sĩ sẽ kiểm tra mô mũi của bạn để xác định nguyên nhân gây chảy máu cam là gì, mức độ nghiêm trọng cũng như xem xét có cần điều trị bổ sung hay không.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh và các loại thuốc mà bạn đang sử dụng hiện tại để có thể chẩn đoán và loại trừ. Điều bạn cần làm chính là nói cho bác sĩ một cách kĩ càng về bất kì triệu chứng nào khác mà bạn gặp phải liên quan tới chảy máu cam hoặc có chấn thương nào xảy ra gần đây không.
Một số xét nghiệm có thể được chỉ định để kiểm tra bao gồm xét nghiệm toàn bộ công thức máu, xét nghiệm để đánh giá chức năng cầm - đông máu của con người (APTT), nội soi mũi, CT mũi, X-quang mặt và mũi nếu cần.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn