Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, những người đàn ông càng chịu áp lực trụ cột gia đinh thì khi mất việc càng dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng như "khủng hoảng vị thành niên" vậy. Họ cảm thấy xấu hổ vì mất thể diện, tức giận và buồn bã. Họ trở nên quá nhạy cảm với những tình huống hoặc hành vi cử chỉ ngẫu nhiên và diễn giải nó như những thái độ thù địch đánh vào lòng tự trọng của họ.
Thời gian thất nghiệp càng dài thì nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần của cánh đàn ông càng tăng. Và khi lo âu trầm cảm càng tăng, họ càng có nhu cầu muốn kiểm soát mọi thứ. Vì vậy, họ trở nên nhỏ mọn, "đong chai nước mắm, đếm củ dưa hành" hoặc hung hăng tấn công những người thân trong gia đình bằng hành vi, thái độ hoặc lời nói như một cách khẳng định lại vị trí quyền lực của bản thân đang bị suy giảm vì tình trạng thất nghiệp.
Nhiều nhà tâm lý đã ví von những đau khổ của thất nghiệp trong xã hội hiện nay cũng tương tự như nỗi đau mất người thân. Quỹ đạo cảm xúc của những người bị mất việc đột ngột cũng trải qua các giai đoạn từ việc sốc, phủ nhận rằng đây không phải là sự thật, giận dữ với cả thể giới. Rồi chán nản, bỏ mặc và chìm vào các chất gây nghiện để quên đi. Cuối cùng, cá nhân mới chấp nhận, nỗ lực phục hồi và tìm các cơ hội mới.
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, hiện tại có rất nhiều ông chồng đang mắc kẹt ở giai đoạn tức giận với cả thế giới, giận lây cả những người thân trong gia đình hoặc chán nản bỏ mặc hết tất cả mọi thứ, khiến cho cuộc sống gia đình trong bối cảnh thất nghiệp ngày càng khó khăn và xung đột leo thang giữa cặp đôi. Và trong mối quan hệ xung đột ấy, mọi hành vi, thái độ của người vợ có thể đều được diễn giải dưới góc độ thù địch, tấn công vai trò, vị thế người chồng.
"Cuộc sống nhiều biến động và tương lai bất định làm cho tình trạng thất nghiệp của cá nhân trở nên căng thẳng và bất an hơn. Đến mức sẽ có nhiều người không bao giờ vượt qua được giai đoạn tức giận và trầm cảm để đến giai đoạn thích nghi và phục hồi. Những năm gần đây, số liệu thống kê cho thấy, nam giới ngày càng thực hiện nhiều hành vi mang lại rủi ro cho sức khỏe thể chất và tinh thần của họ hơn như lạm dụng rượu bia, hút thuốc, sử dụng ma tuý, đua xe, đánh nhau, quan hệ tình dục không an toàn. Thậm chí, tỉ lệ nam giới tự sát thành công cũng cao hơn nữ giới nhiều lần", chuyên gia Nguyễn Thành Nam cho biết.
Để cân bằng tâm lý khi mất việc làm, họ cần rất nhiều sự hỗ trợ tâm lý từ vợ mình. Những câu nói của vợ vừa có thể an ủi chồng, vừa có thể điều chỉnh những hành vi không phù hợp của chồng ví dụ như "Anh đừng đổ lỗi cho bản thân. Em không giận anh vì việc này. Điều quan trọng là chúng ta cần làm gì đó cho tương lai của gia đình"; "Em hiểu đây là thời điểm anh đang cảm thấy tức giận và bất lực, tuy nhiên em cũng không phải là người để anh đổ lỗi. Hãy nhớ em cùng phe với anh".
Người vợ có thể động viên chồng tự chăm sóc bản thân tốt, dành thời gian cho một số việc làm mình bận rộn hoặc một số hoạt động thể chất. Vợ chồng có thể đi dạo cùng nhau, hẹn hò cùng nhau, dành thời gian cho một số hoạt động vui vẻ. Có thể cùng chồng nộp đơn để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hãy động viên những hành vi tích cực của chồng nỗ lực chuẩn bị cho một công việc mới như khi anh ấy sửa lại bản sơ yếu lý lịch thì hãy thể hiện thái độ "thật tuyệt, em rất vui vì anh đã cập nhật nó và gửi đi; hãy để em cùng anh tìm kiếm những cơ hội làm việc mới".
"Người vợ trước những lời nói không thân thiện của chồng cũng hãy hiểu những nguyên nhân đằng sau để cảm thông. Chị em có thể tự nhủ "hôm nay anh ấy không chịu ăn đồ tôi nấu và nói rằng không thể nuốt nổi. Đó không phải là vì tôi nấu không ăn được mà vì anh ấy đang cảm thấy tồi tệ về bản thân mình". Hoặc nếu chồng chê vợ một cách thiếu công bằng, hãy nói "Cứ khi nào anh nói với em như vậy, em sẽ tạm dừng và rời đi. Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau sau khi anh đã bớt giận và kiểm soát được hành vi của mình", chuyên gia Trần Thành Nam tư vấn thêm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn