Đối tượng ngáo đá khống chế con tin ở Bắc Giang ngày 8/1/2016 |
Theo Đại tá Bùi Minh Trung, Trưởng khoa Nghiệp vụ Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Học viện cảnh sát nhân dân cho biết: "Khi gặp người bị ngáo đá, người dân không nên tập trung lại tò mò xem hành vi và quay phim, chụp ảnh đối tượng. Càng tụ tập đông người, đối tượng ngáo đá càng bị kích động mạnh và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người xung quanh. Kể cả người thân cũng cần có những biện pháp phòng tránh bởi các đối tượng ngáo đá đã sử dụng ma túy tổng hợp thường có nhận thức sai lệch và có những biểu hiện ảo giác, thậm chí không nhận thức được người thân của mình".
Đại tá Bùi Minh Trung khuyến cáo nên tránh tiếp cận đối với những đối tượng này và gọi điện thoại ngay cho các cơ quan chức năng. Nếu trường hợp ở trong phòng thì người thân nên tránh xa, cất những vật nguy hiểm và khóa cửa lại để tránh họ có những hành vi nguy hiểm đối với những người khác.
Còn nếu bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, đe dọa tính mạng thì người dân cũng hết sức bình tĩnh và tránh có những hành động làm họ hoảng sợ, kích động vì lúc đó khả năng gây án của họ rất cao, hậu quả sẽ khó lường. khi bị người ngáo đá khống chế, hoặc đe doạ đến tính mạng, đó là cần có thái độ thật bình tĩnh, đồng thời phải xác định lúc này cần cuốn theo dòng hoang tưởng của họ. Nghĩa là nếu đối tượng ngáo đá nói “đang có người đuổi theo truy sát…” thì người nhà cần có thái độ rất ân cần, đồng cảm, nói nhẹ nhàng “hãy yên tâm, đã bố trí người cảnh gác cẩn thận, bảo vệ rất chu đáo rồi…”
Sau khi dòng hoang tưởng bị ngắt quãng, cần lấy đá lạnh chườm lên trán và khắp cơ thể nạn nhân. Khoảng 1 giờ sau, thân nhiệt nạn nhân lúc này đã hạ xuống và họ sẽ khát nước, thèm ăn, cường độ hoang tưởng thưa dần, nạn nhân sẽ thèm ngủ, buồn ngủ. Đến lúc này nạn nhân mới vừa thoát khỏi cơn “ngáo đá”. Liền sau đó, người nhà nên nhanh chóng đưa nạn nhân đến các trung tâm cai nghiện, giúp họ phục hồi và lấy lại tinh thần.
Trong trường hợp người thân có biểu hiện “ngáo đá”, gia đình cần tỏ ra bình tĩnh nhưng kiên quyết quản lý và nhanh chóng đưa đối tượng đến cơ sơ tâm thần để được điều trị và tư vấn.
Lực lượng chức năng khống chế đối tượng "ngáo đá" |
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, ở góc độ y học, sau khi sử dụng Methamphetamine, người “ngáo đá” có triệu chứng của người mắc bệnh tâm thần, tách rời khỏi thực tại (ảo tưởng) hoặc ảo giác. Còn ở góc độ pháp lý, người “ngáo đá” là hậu quả của hành vi chủ động, không vô thức khi bắt đầu sử dụng chất ma túy (là một loại chất kích thích mạnh), do đó pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Trường hợp người “ngáo đá” phạm tội, cũng tương tự người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã gây ra.