“Đối với dân văn phòng, “lương” là thước đo phản ánh năng lực của bạn. Lương thấp thì là do năng lực chưa tốt, lương cao là do bạn giỏi và chăm chỉ hơn người khác. Mình lúc nào cũng tự đặt nặng đồng tiền - đồng lương hàng tháng như thế. Vì vậy, trong công việc, mình ngày một nỗ lực hơn, làm nhiều hơn để được nhận được xuất tăng lương vào mỗi kỳ xét duyệt. Mỗi lúc được tăng lương, mình cực kỳ vui vẻ vì mình cảm thấy xứng đáng. Nhưng chẳng được bao lâu sau mỗi lần nhận lương, niềm vui đó cũng cạn vì những cuộc bão giá, hay chi tiêu quá tay mà mọi người hay gọi là lạm phát lối sống” .
Đây là những chia sẻ về chuyện tiền lương văn phòng của cô nàng Ngân Phạm (28 tuổi, Hà Nội), đã làm công việc văn phòng 8 năm. Ngân Phạm cũng cho biết để kiếm thêm thu nhập, cô cũng phải kiêm thêm một số công việc khác, thỉnh thoảng thì làm cây viết cho vài blog, lúc thì nhận dự án bên ngoài. “Phải như vậy mới đủ sống và dư ra chút tiền tiết kiệm. Vì với mình, cầm tiền lương văn phòng để sống thì mãi không ổn”.
Đã từng có thời gian nhận lương cuối tháng xong thì mình cũng chẳng còn đồng nào để tiêu, hoặc khoản tiền lương cày cuốc cả tháng “bốc hơi” chỉ trong tuần đầu vì “những lý do nào đó” - chẳng thể gọi tên. Sau đó bằng cách này hay cách khác mình cũng tìm cách để chống chọi với chiếc túi rỗng, và sống tiếp cho đến cuối tháng tiếp theo. Thời gian này kéo dài gần 1 năm, cho đến khi tiền lương chẳng đủ trả nợ, thì mình biết là mình xong rồi.
Chẳng ai muốn sống mãi trong cảnh xoay xở để chi tiêu, hay vòng lặp của chuyện lương về - trả nợ - vay tiền. Đó thực sự là vòng luẩn quẩn ám ảnh cuộc đời mình. Với con gái, chuyện khó kiểm soát bản thân nhất có lẽ là tâm lý tự thưởng bản thân và mua sắm. Mình cũng vấp phải rất nhiều sai lầm từ tư tưởng này. Mỗi khi lương tăng, mình luôn phải đi ăn ở những nhà hàng ngon bình thường chẳng dám thử, mua chiếc áo dạ đắt đỏ ngày thường chẳng dám xuống tiền, mua túi, giày dép, phụ kiện... đi xem phim đó xem vì sao nó nổi, hay du lịch nơi xa để đổi gió. Từng đấy thôi cũng chỉ là một phần mình đã chi tiêu. Nhưng nghe qua thì mọi người cũng sẽ đoán được: Đồng lương văn phòng ít ỏi làm sao mà đủ!
Chưa hết, những quảng cáo facebook về chuyện làm đẹp, mỹ phẩm, cứ thế đập vào mắt mình. Rồi những cú nhấp chuột vô tình khiến mình đổ tiền vào chẳng chút đắn đo. Không có tiền thì vay bạn bè, vì tâm lý “tiêu trước trả sau”, cuối tháng lấy lương kiểu gì chẳng đủ trả nợ cho bạn. Để rồi ngoảnh mặt lại, tính toán số tiền đã tiêu, bao giờ cũng lố hơn tiền lương mình làm ra.
Lần thay đổi thói quen chi tiêu lớn nhất của mình, có lẽ là bước ngoặt lấy chồng. Sau khi có gia đình nhỏ, mình bắt đầu có trách nhiệm hơn trong chuyện quản lý tiền bạc. Chồng mình cũng là người biết tính toán, nhờ vậy mà mình đã dần thay đổi được bản thân. Nhớ có lần, lấy lương xong 2 vợ chồng định rủ nhau đi ăn một bữa thật ngon trong trung tâm thương mại. Nhưng sau một hồi so sánh giá cả và khảo sát giá trên các quầy hàng, mình càng nhận ra mình nghèo đi, chứ đồng lương tăng chẳng bõ gì so với bão giá. Thế rồi, từ đứa tiêu tiền chẳng nương tay, lần đó mình ngậm ngùi cất tiền vào túi, không dám mua gì mà kêu chồng về nhà nấu cơm ăn. Quả thật, mình chưa bao giờ nghĩ đến mình có thể từ bỏ những thói quen chi tiêu một cách mạnh mẽ như thế.
Qua thời gian rèn được tính “tiếc tiền”, mình bắt đầu học lại cách quản lý chi tiêu từ chồng mình và sách vở. Và để tránh tình trạng, cứ cuối tháng là lương chẳng còn, mình áp dụng phương pháp Kakeibo và phương pháp 6 lọ, bắt đầu từ thu nhập của mình trước. Và hiện tại, mình cực kỳ tự tin cầm cả tiền của chồng để quản lý, mà chẳng sợ tiêu sạch như trước. Mất khoảng 2 năm để mình rèn giũa được thái độ tiêu tiền của bản thân, và tư duy về tiền.
Trước tiên, mình bắt bản thân vào một khuôn khổ: Ghi chép bất cứ khoản tiền gì đã tiêu. Và khoản tiền nào quá 500k, mình đều phải ghi chú lại lý do tại sao cần tiêu khoản đó.
Thời gian đầu quả thực cứ nhớ nhớ quên quên, chẳng ghi chép được gì nhiều. Nhưng cái gì khổ luyện cũng sẽ đạt được, qua tháng thứ 3, những khoản tiền mình chi ngày càng cụ thể hơn. Qua theo dõi hàng tháng, mình thống kê được phần trăm cho từng khoản chi tiêu. Để đảm bảo mức lương hiện tại đủ để khiến mình sống tốt, thì thu nhập ít nhất phải nhiều hơn khoảng 20%.
Ví dụ: Mình từng sống với mức chi tiêu cho mọi nhu cầu là hơn 15 triệu/tháng, thì mức thu nhập giúp mình có cuộc sống đảm bảo phải rơi vào khoảng 18 triệu/tháng.
Nhưng nếu chỉ kiếm tiền và “tiêu đủ” như thế, thì cuộc sống sẽ mãi rơi vào vòng xoáy kiếm tiền, tiêu tiền chẳng ngừng. Và mình nhận ra, đó không phải đích đến mà mình hướng tới.
Sau khi đã xác định được số tiền mình tiêu và cần kiếm được trong 1 tháng, mình chia đều các khoản vào 4 lọ. Về lý thuyết, bạn sẽ cần 6 lọ. Nhưng qua quá trình thực hành, 4 lọ phù hợp nhất với bản thân mình. Mình giữ lại 4 lọ như sau:
- Chi tiêu cần thiết: Tiền nhà, tiền điện, wifi, phương tiện đi lại... Chủ yếu là những khoản tiền giúp mình duy trì được cuộc sống cơ bản.
- Tiết kiệm dài hạn: Đây là khoản tiền mình nhận ra cực kỳ cần thiết sau những ngày tiêu tiền vô tội vạ. Nếu không có khoản tiền tiết kiệm, thì những món nợ treo trên đầu sẽ khiến cuộc sống mình cực kỳ khốn đốn.
- Hưởng thụ: Trước đây, mình chi tiêu cho khoản này rất nhiều, nhưng hiện tại, mình chỉ dành số ít tiền kiếm được để tự thưởng bản thân sau những ngày dài mệt mỏi, với tần suất rất ít.
- Quỹ tự do tài chính: Sau những khoản tiền được chi cho những nhu cầu trên, mình đưa hết số tiền còn lại vào quỹ tự do tài chính. Trong khoản quỹ này, mình có thêm khoản mục quỹ rủi ro, dành cho những trường hợp cực kỳ khẩn thiết.
Và với mỗi người, phần trăm dành cho 4 lọ này sẽ khác nhau, phụ thuộc vào mức sống mà bản thân hướng đến.
Tiếp theo, là phương pháp Kakeido, đây là phương pháp tiết kiệm cực kỳ nổi tiếng của Nhật Bản. Về cơ bản, khi sử dụng phương pháp này, bạn phải trả lời một cách cụ thể 4 câu hỏi sau càng chi tiết càng tốt: Bạn có bao nhiêu tiền? Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền? Bạn sẽ tiêu bao nhiêu tiền? Bạn sẽ làm gì để cải thiện? Bạn sẽ thực hiện phương pháp Kakeibo vào đầu mỗi tháng, sau đó, đến cuối tháng tổng kết lại. Khi trả lời được những câu hỏi đó, mình nắm được rất rõ việc thu chi của gia đình và bản thân. Từ đó, mình đưa ra được những quyết định đúng đắn hơn cho chi tiêu vào những tháng tiếp theo. Sau khi kiên trì thực hiện những phương pháp tài chính này, cách quản lý tiền bạc của mình đã sang một trang mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn