Mỗi ngày Việt Nam lại phát hiện thêm những ca dương tính với Covid-19 mới. Nếu bạn nằm trong danh sách những người tiếp xúc với người bệnh, là F1, F2, F3... hay bạn đang nghi ngờ mình bị nhiễm Covid-19, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh?
Giải đáp câu hỏi Khi nghi nhiễm Covid-19 thì phải làm gì?, bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức) đã đưa ra những lời khuyên hữu ích:
Luôn giữ tinh thần lạc quan
Tinh thần là yếu tố then chốt quyết định sức đề kháng của mỗi người. Khi quá lo lắng và hoang mang, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra rất nhiều hormone cortisol gây suy yếu hệ miễn dịch, tạo cơ hội cho virus xâm nhập dễ dàng.
Không phải ai tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể bị nhiễm bệnh. Trong trường hợp bạn không may bị bệnh, đối với những người bình thường, cơ hội khỏi bệnh là rất cao nếu duy trì ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ. Do đó, bạn cần phải giữ tinh thần thoải mái trong thời gian quan trọng này.
Để làm được điều này, bạn không nên quá lo lắng, thay vào đó, nên dành thời gian cho những thú vui của mình như: Đọc sách, nghe nhạc, tập thiền hoặc tập thể dục…
Tự giác, chủ động cách ly
Đây là điều các "F" hoặc những người đang nghi ngờ mình mắc bệnh cần tuân thủ.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn chưa biết mình có nhiễm Covid-19 hay không, bạn cần:
- Luôn luôn đeo khẩu trang. Nếu có điều kiện, hãy đeo cả kính.
- Tránh tiếp xúc với mọi người trong giai đoạn này.
- Nếu sống cùng với người thân, nên sinh hoạt, ăn uống và vệ sinh trong một phòng riêng. Luôn giữ khoảng cách từ 1,8-2m.
- Hạn chế ra ngoài, tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Lưu ý khi đi khám bệnh
Nếu bạn cách ly tại gia đình và muốn đi khám bệnh, trước khi đến khám, cần gọi điện cho cơ sở y tế có liên quan, thông báo về các triệu chứng mà bản thân đang gặp phải để các nhân viên y tế chuẩn bị sẵn trang phục bảo hộ và các thiết bị, vật tư cần thiết khi tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19.
Liên hệ đường dây nóng 19009095 và 19003228 của Bộ Y tế để được tư vấn
Khi đi khám bệnh, bạn cần có các biện pháp bảo vệ để tránh vô tình lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh. Tuyệt đối không được sử dụng các phương tiện công cộng như taxi, xe bus, xe khách, máy bay… vì có thể lây lan ra cộng đồng. Bạn nên di chuyển bằng phương tiện tự túc như tự lái ô tô, xe máy.
Trong quá trình di chuyển, khám bệnh phải đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp với những người xung quanh.
Nâng cao sức khỏe
Đảm bảo sức khỏe ổn định là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân. Trong quá trình cách ly, bạn cần phải đảm bảo tập luyện, ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ để nâng cao thể trạng của mình, tăng sức đề kháng và giảm stress.
Nên ngủ đủ giấc, ít nhất 6 tiếng/ngày và bổ sung thêm vào bữa ăn các loại rau xanh, hoa quả, các loại gia vị (gừng, tỏi, mật ong…) và men vi sinh.
Cách ly không nhất thiết là phải ngồi im một chỗ trong nhà. Bạn có thể tập thể dục, đi bộ ở những nơi thông thoáng, vắng người, để tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên. Tuy nhiên, bạn cần nhớ đeo khẩu trang đúng cách, tuyệt đối không khạc nhổ. Hạn chế sờ, chạm vào những đồ dùng, vật dụng xung quanh
Nếu bạn chẳng may phát hiện bị nhiễm Covid-19 trong 14 ngày cách ly này, việc tập thể dục, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc cũng sẽ cải thiện sức đề kháng, giúp bạn hồi phục và khỏi bệnh nhanh hơn. Những người quá lo lắng, hoang mang, không tập thể dục sẽ bị giảm sức đề kháng, càng khiến việc điều trị thêm khó khăn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn