Làm giàu từ cây cói, bèo bồng

23:04 | 28/02/2023;
Tới thị trấn Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, hỏi thăm nhà bà Phạm Thị Ngắn làm nghề thủ công mỹ nghệ, ai cũng biết. Chỉ từ những cây cói, bèo bồng của quê hương mình, nhưng qua bàn tay nghệ nhân của bà Ngắn đã trở thành những sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.

Khởi nghiệp trên miền quê lam lũ

Ở cái tuổi ngoài 70 như bà Ngắn, tưởng sẽ được an nhàn tuổi già bên các con cháu, thế nhưng với niềm đam mê bà Ngắn vẫn hàng ngày nghiên cứu, học hỏi để sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo từ những cây cói, bèo bồng, giấy, mây, tre, len…

Cũng không nhớ mình vào nghề từ năm nào nữa, chỉ biết từ ngày về làm dâu bà Ngắn đã thấy bố mẹ chồng làm nghề mây tre đan thủ công mỹ nghệ, rồi bà cũng phụ giúp và học hỏi để đan lát ra nhiều loại túi xách, mũ, hộp… chủ yếu phục vụ người dân địa phương.

Người phụ nữ vươn lên làm giàu từ cây cói, bèo bồng - Ảnh 1.

Những chiếc túi được làm từ chính đôi bàn tay của người nông dân

Nhìn thấy tiềm năng của nghề, cũng như các sản phẩm đều có nguồn gốc từ tự nhiên lại an toàn với môi trường. Nhưng bà luôn trăn trở suy nghĩ, tại sao những sản phẩm thủ công của quê hương mình đều được làm từ những bàn tay lam lũ của người nông dân nhưng lại không có đầu ra, các sản phẩm cũng chỉ phục vụ người dân địa phương và lân cận.

Người phụ nữ vươn lên làm giàu từ cây cói, bèo bồng - Ảnh 2.

Chậu cảnh được đan bằng cói

Bà Ngắn cho biết "Để làm ra một chiếc túi xách từ cói phải trải một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và chính xác. Từ việc chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói, ép cói cho đến khâu cuối cùng là đan và hoàn thiện, chỉ sơ suất một khâu thôi, sản phẩm sẽ không đạt yêu cầu. Thế nhưng những chiếc túi xách thủ công ấy nếu không được nhiều người biết đến thì thật đáng buồn ".

Vì thế, bà quyết tâm các sản phẩm này phải được nhiều người biết đến hơn và sẽ được vươn ra khỏi lũy tre làng. Nói là làm, năm 2004, bà chính thức thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An.

Người phụ nữ vươn lên làm giàu từ cây cói, bèo bồng - Ảnh 4.

Các sản phẩm hoàn toàn thân thiện với môi trường

Từ đây con đường đến với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của bà Ngắn ngày càng rộng mở, nhưng cũng lắm chông gai. Không có mặt bằng, không nguồn vốn để phát triển mở rộng, không có nguồn cung ứng ra bên ngoài…bà Ngắn lại càng phải nỗ lực hơn nữa, không ngừng học hỏi, tìm kiếm và thiết kế ra các mặt hàng mới, mỗi ngày bà đi hàng trăm cây số để vừa chào bán sản phẩm, đồng thời mời các chị em phụ nữ cộng tác những ngày nông nhàn đan lát các loại túi, mũ, giỏ… theo yêu cầu. Cứ mỗi lần có mẫu mã mới, đích tay bà Ngắn chỉ dạy cho đội kỹ thuật tỉ mỉ từng chi tiết để làm đầu mối kết nối, hướng dẫn mọi người đan theo yêu cầu của khách.

Tăng thu nhập cho người dân

Nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan ở Tiền Hải có từ hàng trăm năm trước, cụ thể từ thời nào cũng không ai nắm rõ. Nhưng đến nay, nghề thủ công mỹ nghệ ở địa phương chỉ còn 3-4 hộ có quy mô lớn tiếp tục duy trì, và một số hộ quy mô nhỏ khác đang song hành cùng gia đình bà Ngắn.

Gia đình bà Phạm Thị Thuấn, 75 tuổi, cũng là một hộ gia đình làm nghề mây tre đan với quy mô nhỏ, bà Thuấn cho biết, từ bé bà đã thấy ông bà rồi đến bố mẹ làm nghề này, đến thế hệ bà và gia đình hai người con trai của bà vẫn tiếp tục duy trì cộng việc mây, tre, đan những ngày nông nhàn.

Người phụ nữ vươn lên làm giàu từ cây cói, bèo bồng - Ảnh 5.

Chị em phụ nữ tranh thủ những ngày nông nhàn nhận thêm công việc đan lát

Đến những năm 2000 khi đất nước đã hội nhập mở cửa và phát triển nhanh. Ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở quê bà Ngắn, bà Thuấn bắt đầu được nhiều người biết đến và chính thức có mặt ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Cũng từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân trong xã và các vùng lân cận những ngày nông nhàn.

Từ những bẹ ngô, bèo bồng, cói.... doanh nghiệp của bà Ngắn đã làm ra nhiều sản phẩm có tiếng trên thị trường

Để không bị lỗi mốt cũng như cạnh tranh được với các mặt hàng cùng ngạch, bà Ngắn cùng đội kỹ thuật của doanh nghiệp hàng ngày vẫn tiếp tục thiết kế ra các mẫu mã mới. Và mỗi khi có các sản phẩm mẫu mã mới, bà Ngắn không quản ngại đi đến các khu/tổ trong xã và các xã lân cận để hướng dẫn kỹ thuật cho chị em làm quen với sản phẩm. Tính đến nay, có khoảng 15 nghìn người đã được bà Ngắn và đội ngũ kỹ thuật đào tạo để làm ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

Người phụ nữ vươn lên làm giàu từ cây cói, bèo bồng - Ảnh 6.

HIện tại trong xưởng nhà bà Ngắn có từ 5- 7 loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cói, bèo bồng, mây, tre...

Hiện tại, doanh nghiệp của bà Ngắn đang duy trì khoảng 6 nghìn lao động cộng tác với thu nhập 3- 6 triệu/tháng. Những người yếu không thể đi công ty làm, người già, người khuyết tật đều được bà Ngắn đón nhận và chỉ dạy từng thao tác kỹ thuật để làm thành thạo ra thành phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Nguyễn Thị The - cộng tác viên hơn 10 năm nhà bà Ngắn chia sẻ: "Làm cái nghề này phù hợp với những chị em phụ nữ có tuổi như chúng tôi có thêm thu nhập đồng ra đồng vào những ngày nông nhàn. Hoặc vào các ngày mùa thì mấy chị em trong thôn xóm lại tranh thủ buổi tối rủ nhau đan lát thêm cũng được 3-4 triệu/tháng".

Trồng cây đến ngày hái quả, với gần 20 năm hoạt động, đến nay doanh nghiệp của bà đã được mở rộng với diện tích 4.500m vuông. Các sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều người đón nhận và đã xuất khẩu nhiều ra nước ngoài.

Hiện tại các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của bà Ngắn chủ yếu là những chiếc túi cói, mũ cói, những chậu cảnh được đan từ cói, cây bèo bồng, hay chiếc túi móc từ sợi len…. Theo chia sẻ của bà Ngắn, những mặt hàng này không ô nhiễm môi trường mà giá thành hợp lý nên được nhiều nước đón nhận như Mỹ, Philippines, Đức, Pháp.... Có thời điểm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của gia đình bà hàng tháng đều xuất đi các nước 3-4 container.

Người phụ nữ vươn lên làm giàu từ cây cói, bèo bồng - Ảnh 8.

Công đoạn cuối cùng được đóng gói cẩn thận trước khi giao cho khách

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 (2019-2020), doanh nghiệp của bà Ngắn cũng gặp không ít khó khăn, hàng hóa ùn ứ không xuất đi được. Nhưng cũng thời điểm này, bà lại tiếp tục cải tiến cho ra thêm nhiều mẫu mã mới, vì thế khách hàng trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đón nhận, mặc dù sản phẩm xuất đi nước ngoài giảm 50% so với trước thời điểm Covid-19. Nhờ đó vẫn đảm bảo cho nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận duy trì thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng.

Điều khiến bà Ngắn trăn trở nhất hiện nay là sức khỏe. Bà bảo: "Sức khỏe là có hạn, chỉ sợ mình phải nghỉ sớm". Bà đang ấp ủ những mong muốn tiếp tục cho ra thêm nhiều mặt hàng mới được làm từ chất liệu của cây cói, bèo bồng, mây, tre, len… đảm bảo an toàn của quê hương mình để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Liên hệ: Bà Phạm Thị Ngắn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An

Địa chỉ: Tổ dân phố Trung Tiến, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Điện thoại: 0975002692

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn